Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc có một khởi đầu thuận lợi

12:26' - 30/12/2016
BNEWS GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong ba quý của năm 2016. Các chuyên gia dự báo mức tăng trrưởng cả năm sẽ gần đạt mức của chín tháng (từ tháng 1-9/2016).
Những trọng điểm kinh tế Trung Quốc trong năm 2017. Ảnh: Los Angeles Times

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016-2020) đang có được một khởi đầu thuận lợi và sẵn sàng cho việc thực hiện tất cả các mục tiêu chủ chốt được chính phủ đề ra trong phát triển kinh tế.

Dấu hiệu mới nhất về sự cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc là số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia cho thấy lợi nhuận của ngành công nghiệp trong 11 tháng (từ tháng 1-11/2016) tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn so với mức 8,6% trong 10 tháng ( từ tháng 1-10/2016).

Mặc dù các số liệu thống kê của cả năm vẫn chưa được công bố, tất cả các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ đạt các mục tiêu lớn của năm nay, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP trong khoảng 6,5-7%, tạo trên 10 triệu việc làm ở đô thị và giảm tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP khoảng 3,4%.

GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong ba quý của năm 2016. Các chuyên gia dự báo mức tăng trrưởng cả năm sẽ gần đạt mức của chín tháng (từ tháng 1-9/2016).

Là một chỉ số quan trọng biểu thị tình hình nền kinh tế, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tăng từ mức 51,2 điểm trong tháng 10/2016 lên 51,7 điểm trong tháng 11/2016, mức cao nhất trong hơn hai năm.

Số liệu PMI cao hơn dự kiến là một bằng chứng nữa cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định và trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Trung Quốc cũng đã sớm đạt mục tiêu của năm nay về giảm công suất dư thừa trong ngành than và thép, góp phần tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp, hợp lý hóa cơ cấu và cân đối cung cầu trên thị trường.

Với quyết tâm bảo vệ môi trường, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trên mỗi đơn vị GDP giảm 5,2% trong ba quý của năm và tổng mức tiêu thụ than giảm 2%, nhờ đó cải thiện được chất lượng không khí.

Tuy nhiên, môi trường kinh tế trong và ngoài nước phức tạp chưa cho phép Trung Quốc dừng các nỗ lực. Động lực tăng trưởng yếu ở các nền kinh tế lớn, thương mại toàn cầu đình trệ, tiến trình toàn cầu hóa có sự thụt lùi và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng đã khiến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu có những bấp bênh.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm hơn trong 5 năm liên tiếp và xu hướng này có thể tiếp tục.

Ở trong nước, những thách thức như nợ lớn, tình trạng vượt công suất và thị trường bất động sản với bong bóng lớn không nên bị xem nhẹ.

Trung Quốc đã lấy "thúc đẩy sự tiến triển và duy trì sự ổn định" là nhiệm vụ chính trong công tác kinh tế năm 2017, cam kết thúc đẩy sự tiến triển bền vững trong cải cách cơ cấu về phía nguồn cung.

Với chủ trương đó, Trung Quốc sẽ củng cố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế ổn định và đạt được các mục tiêu lớn trong việc xây dựng một xã hội tương đối khá giả.

Cũng trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, theo Sách Trắng có tựa Phát triển Giao thông của Trung Quốc mới công bố ngày 29/12, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm các tuyến đường sắt cao tốc trong nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông toàn diện.

Cụ thể, nước này sẽ tăng chiều dài đường sắt cao tốc lên 30.000 km vào năm 2020, kết nối hơn 80% số thành phố lớn. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục