Khách quốc tế và bản sắc Việt

18:43' - 27/01/2017
BNEWS Du khách quốc tế đến với Việt Nam không phải bởi những tiện nghi của dịch vụ du lịch mang lại, họ đến với đất nước hình chữ S là vì muốn khám phá bản sắc, văn hóa của các dân tộc nơi đây.

Nhận định trên được đưa ra bởi nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch khi nói đến “điểm hút” của đất nước, con người Việt Nam.

Cảm nhận “hơi thở” cuộc sống

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, lượng khách và tổng thu từ du lịch năm 2016 tăng trưởng mạnh; trong đó Việt Nam đón hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015 và là mức cao nhất từ

trước đến nay. Trước kết quả ấn tượng này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, muốn hút nhiều hơn khách “quốc tế”, Việt Nam phải giữ được bản sắc riêng.

Sau một thời gian Hà Nội thí điểm lựa chọn tuyến phố đi bộ phục vụ du khách dịp cuối tuần, có thể nói đây là sân chơi đối với nhu cầu giải trí của người dân Thủ đô nói riêng dịp cuối tuần và cũng là điểm hút khách ngoại quốc khi có dịp tới Hà Nội.

Phố đi bộ là một điểm đến thú vị vào dịp cuối tuần cho du khách nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Mặc dù đã thu hút được khách nước ngoài tới dạo chơi trên tuyến phố đi bộ, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch HaNoi Redtour, để thu hút được khách du lịch, tuyến phố đi bộ phải bố trí được điểm đỗ xe; có hoạt động để du khách trải nghiệm và phục vụ được nhu cầu tối thiểu của khách hàng: post chỉ dẫn; bảo vệ an ninh và nhà vệ sinh.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, trong triển khai tuyến đi bộ có hai vấn đề cần quan tâm: tuyến đi bộ dành cho đối tượng nào và các công ty du lịch đưa tour vào trong lịch trình để giới thiệu tới khách hàng. Từ đó, tuyến phố đi bộ của Hà Nội sẽ được nhiều người biết đến hơn và muốn trở thành điểm khai thác liên tục phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với công ty du lịch.

Theo bà Trà, không phải đầu tư, thay đổi nhiều là thu hút được khách du lịch tới tham quan địa phương. Mấu chốt ở đây chính là giữ được bản sắc của địa phương đó và làm tốt vấn đề quản lý. Khi du lịch tại tuyến phố đi bộ, người dân phải cảm thấy an toàn; không lo móc túi, giật đồ.

Hoạt động kinh doanh ồn ào; náo nhiệt của phố cổ cũng là nét riêng có không lẫn vào đâu. Làm được như vậy đã là một thành công khi triển khai tuyến phố đi bộ.

Giữ nét văn hóa vùng miền

Khách nước ngoài trước khi du lịch tới một vùng miền đều tìm hiểu văn hóa, tập quán của địa phương. Họ đến trải nghiệm với thời gian lưu trú khá dài từ 10 ngày đến nửa tháng. Nhưng quan trọng khi tới địa phương cảm nhận thực tế phải đúng với những gì đã được tìm hiểu. Do vậy, phát triển du lịch cộng đồng, điều cốt yếu là phải giữ được nét văn hóa của các vùng miền.

Theo anh Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch HaNoi Redtour, du lịch cộng đồng là một trong loại hình du lịch được ưa thích không phải chỉ ở các nước đang phát triển mà ở cả các nước phát triển.

Điều cốt yếu để phát triển du lịch cộng đồng là phải giữ được nét văn hóa của các vùng miền. Ảnh: TTXVN

Ở Việt Nam, phát triển du lịch cộng đồng nên gắn du khách với cuộc sống; phong tục tập quán; đời sống hàng ngày của người dân bản địa. Các tỉnh miền núi phía Bắc, có đông đồng bào dân tộc  và có sắc thái khác nhau; tạo sự khác biệt, hấp dẫn riêng trong trải nghiệm. Đây là tiềm năng tốt để phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Hoan cho rằng, muốn phát triển du lịch cộng đồng làng, vùng phải cùng nhau phát triển theo một định hướng chung. Trường hợp làm đơn lẻ, một số hộ gia đình không thấy được hưởng lợi đương nhiên sẽ thiếu mặn mà.

Cách làm cụ thể sẽ là trong cùng một bản, làng thì gia đình này làm lưu trú; hộ khác phục vụ nhu cầu ăn uống; nhà sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; hoạt động văn hóa của thôn, bản. Theo đó, các hộ gia đình cùng hưởng lợi, khuyến khích sự tự nguyện tham gia.

Theo ông Hoan, hiện ở khu vực phía Bắc, Lào Cai là địa phương có định hướng phát triển tốt du lịch cộng đồng và theo 3 mũi nhọn: Sapa (đô thị nghỉ dưỡng du lịch); Bắc Hà và huyện Bát Xát theo hướng lưu giữ giá trị lịch sử dân tộc. Địa phương xác định không xây dựng khách sạn, nhà hàng. Nhà đầu tư theo định hướng của địa phương, không làm phá vỡ quy hoạch đã có.

Tuy nhiên, ông Hoan băn khoăn liệu những địa phương khác còn khó khăn có mạnh dạn làm theo cách này không? Bởi phát triển du lịch cộng đồng cần thời gian dài; không cần nhiều khách nhưng vững bền quanh năm. Nếu phát triển dù lịch ồ ạt, theo mùa vụ khả năng nhà đầu tư không có tâm, chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần sẽ phá vỡ bản sắc của địa phương. Đấy là điều lo ngại nhất của du lịch cộng đồng.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, du lịch cộng đồng ở miền Bắc so với các địa phương khác khá tốt. Tuy nhiên, mức độ đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu bởi nhà đầu tư nhìn vào khả năng khai thác quanh năm, trong khi sản phẩm tour trọn gói khu vực này còn thiếu.

Bà Trà cho rằng, du lịch miền Bắc muốn phát triển bài bản, chuyên nghiệp cần khám phá nhu cầu của khách hàng để đưa sản phẩm tour phù hợp, phục vụ đều 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khi đó, khách hàng cảm nhận được đây là nơi không chỉ đến vào một mùa và có nhiều cơ hội khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa vùng miền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục