Khai thác bất hợp pháp: Nguy cơ doanh nghiệp hải sản xuất khẩu bị EU "giơ" thẻ vàng

21:47' - 25/09/2017
BNEWS Doanh nghiệp hải sản xuất khẩu đang khá lo ngại về nguy cơ Việt Nam có khả năng bị EU “giơ” thẻ vàng nếu không khắc phục tốt và đầy đủ các yêu cầu của EU trước ngày 30/9/2017 về chống khai thác IUU.
Doanh nghiệp hải sản xuất khẩu đang khá lo ngại về nguy cơ Việt Nam có khả năng bị EU “giơ” thẻ vàng nếu không khắc phục tốt và đầy đủ các yêu cầu của EU trước ngày 30/9/2017 về chống khai thác IUU. Ảnh minh họa: Huy Hùng - TTXVN

Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU có thể sẽ bị giảm mạnh, nguy cơ bị “cấm cửa”, nếu Việt Nam không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đây là cảnh báo được đưa ra tại Hội nghị “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, chiều 25/9.

Doanh nghiệp lo lắng

Cộng đồng doanh nghiệp hải sản xuất khẩu đang khá lo ngại về nguy cơ Việt Nam có khả năng bị EU “giơ” thẻ vàng nếu không khắc phục tốt và đầy đủ các yêu cầu của EU trước ngày 30/9/2017 về chống khai thác IUU. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU.
Với 30% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường EU, ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang khá lo lắng nếu hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị “thẻ vàng” của EU.
Theo ông Hoài, rủi ro lớn nhất là tỉ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất doanh nghiệp nói riêng và nói chung cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn.

Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Khi đó, có thể phải mất 3-4 tuần container đó mới được thông quan hoặc trả về Việt Nam.
Trong trường hợp tốt nhất là được thông quan, doanh nghiệp Việt vẫn phải trả chi phí kiểm tra, ước tính 600-700 euro/container; còn nếu bị trả về Việt Nam, phí vận chuyển có thể lên đến 4.000-5.000 euro/container.

“Chưa tính thiệt hại hàng hóa, riêng khoản này đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm hải sản Việt Nam vào thị trường EU so với các nước khác”, ông Hoài lo lắng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm EU đưa ra “phán quyết” theo thông báo trước đó. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc khắc phục đầy đủ các yêu cầu của EU hiện nay là rất khó khăn.
Bà Sắc cho biết, nếu bị “thẻ vàng”, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi đó, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng.

Bên cạnh đó, sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu 6 tháng không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU. Khi đó doanh nghiệp hải sản bị thiệt hại nặng nề.
Không những vậy, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, nếu bị thẻ vàng IUU, tên quốc gia bị cảnh báo sẽ bị “bêu” trên các tạp chí, website chính thức của EU. Điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó.

Đồng thời, các thị trường khác có thể sẽ áp dụng quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho Việt Nam nếu bị EU “giơ” thẻ vàng. Đơn cử như thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác bất hợp pháp (IUU) từ 1/1/2018.

Cam kết chống khai thác IUU

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản trung bình khoảng 1,9-2,2 tỷ USD/năm, riêng EU và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16-17% với giá trị khoảng 350-400 triệu USD/năm.

Với tầm quan trọng của thị trường EU cũng như sự chi phối của IUU đối với các doanh nghiệp hải sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, cho rằng VASEP và các doanh nghiệp xác định việc tham gia tuân thủ chống lại IUU là cả một quá trình lâu dài và cần sự tham gia tích cực, thường xuyên của cộng đồng các doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, ngành hải sản xuất khẩu của Việt Nam còn cơ hội và thời gian để đáp ứng quy định về IUU.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp không làm nổi mà cần sự chung tay của Nhà nước trong việc thay đổi chính sách, khung thể chế pháp lý để quản lý tốt về khai thác đánh bắt bất hợp pháp.
Tham dự tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam không dung túng các hành vi tàu cá vi phạm vùng biển các nước và xử lý nghiêm các vi phạm. Chính phủ rất quan tâm khắc phục, xử lý vấn đề này. Hiện Việt Nam đã điều tra, nắm bắt được nguồn lợi thủy sản trên biển.
“Trong thời gian tới, phấn đấu 100% số tàu cá đánh bắt xa bờ của cả nước sẽ được lắp các thiết bị giám sát và bật thiết bị kết nối 24/24 giờ. Bộ cũng đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp, đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp”, ông Tám cho biết.
Trước những yêu cầu cấp bách của thị trường nhập khẩu, tại hội nghị này, VASEP đã phải kêu gọi các doanh nghiệp hội viên, cam kết chống khai thác IUU, với phương châm “Nói không với IUU” - quyết tâm vì nghề cá bền vững của Việt Nam và vì mục tiêu giữ vững thị trường xuất khẩu của các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam.
Theo đó, đã có hơn 50 doanh nghiệp hải sản Việt Nam tham gia cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm và nói “không” với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.
Đại diện VASEP cũng cho biết, VASEP đã thành lập Quỹ chống khai thác IUU trên cơ sở đóng góp tự nguyện từ các công ty chế biến và xuất khẩu hải sản.

Trong thời gian tới, VASEP sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy sản đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về việc tuân thủ quy định IUU và chống khai thác IUU trong cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Hiệp hội sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh về những trường hợp khai thác bất hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển tới các cơ quan thẩm quyền Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật.
Danh sách các doanh nghiệp tham gia cam kết được công bố và cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của VASEP (www.vasep.com.vn)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục