Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước trong mùa khô

11:51' - 21/03/2017
BNEWS Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải: "Việc cung cấp nước cho sinh hoạt, chống hạn, mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện sẽ được đảm bảo trong mùa khô này".

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 2 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) điều hành xả nước từ các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2016 - 2017 ở các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

Đến thời điểm này, việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt dân sinh và phát điện là vấn đề nóng luôn được nhắc tới khi mùa khô đang đến gần với những diễn biến về thời tiết bất thường có thể xảy ra. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN xung quanh câu chuyện này.

BNEWS: Xin ông đánh giá thực trạng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện do Tập đoàn quản lý trước mùa khô năm 2017 ?

Ông Ngô Sơn Hải: So với năm 2016, là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng ElNino thì năm nay nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện do EVN quản lý được đánh giá khả quan hơn.

Tuy tổng dung tích của các hồ chứa ở khu vực phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà tính đến ngày 1/1/2017 ít hơn khoảng 1,2 tỷ m 3 so với cùng kỳ năm 2016, nhưng các công trình thủy điện Lai Châu và Huội Quảng đã hoàn thành, tạo hồ chứa bậc trên của thủy điện Sơn La và Hòa Bình sẽ tạo điều kiện điều tiết các hồ chứa linh hoạt hơn và khai thác hiệu quả hơn nguồn nước trên lưu vực sông Hồng.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, các hồ chứa ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam do năm 2016 lũ đến muộn nên cuối năm hầu hết được tích đến mức nước dâng bình thường. Vì vậy, tính đến ngày 1/1/2017, lượng nước trữ ở các hồ trong khu vực này cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3 tỷ m3.

Như vậy, trong các tháng đầu năm 2017, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện của EVN đều tương đương và cao hơn so với trung bình nhiều năm, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của EVN.

BNEWS: Vậy việc cung cấp nước cho sinh hoạt, chống hạn, mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện trong năm 2017 sẽ như thế nào, nhất là mùa khô đang đến gần, thưa ông ?

Ông Ngô Sơn Hải: Với tình hình thủy văn như nêu trên và thực tế thời tiết các tháng đầu năm 2017 nền nhiệt độ thấp hơn các năm trước nên tôi cho rằng nhiệm vụ cung cấp điện của EVN cũng thuận lợi hơn.

EVN đã tiến hành xả nước từ các hồ thủy điện để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, trong tháng 1 và tháng 2/2017, EVN đã thực hiện 3 đợt xả nước với tổng lượng nước xả là 4,67 tỷ m3, đáp ứng nhu cầu gieo cấy vụ Đông Xuân ở các tỉnh miền Bắc. Từ tháng 3/2017, EVN đã lập phương thức vận hành hệ thống điện với phương châm tăng cường lượng điện năng sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Đồng thời, các nhà máy thủy điện giảm lượng điện năng sản xuất để giữ nước các hồ chứa trong mùa khô.

Do vậy, với mức nước hiện tại trong các hồ chứa và nếu không có những bất thường đặc biệt về thủy văn so với bình thường, tôi cho rằng việc cung cấp nước cho sinh hoạt, chống hạn, mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện sẽ được đảm bảo trong mùa khô này.

PV: Vừa qua, EVN đã tiến hành xả nước từ các hồ thủy điện để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân ở các tỉnh miền Bắc. Vậy ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai, công tác phối hợp giữa ngành điện, ngành nông nghiệp và các địa phương trong vụ Đông Xuân này ?

Ông Ngô Sơn Hải: Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ nhu cầu làm đất vụ Đông Xuân 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo EVN và các địa phương thống nhất lập kế hoạch điều tiết bổ sung 5,2 tỷ m3 nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng với 3 đợt và tổng thời gian dự kiến là 18 ngày.

Tuy nhiên thực tế thời gian thực hiện chỉ hết 13,5 ngày và lượng nước cung cấp là 4,67 tỷ m3, tiết kiệm được 0,53 tỷ m3 nước. Toàn bộ diện tích gieo cấy đã được đáp ứng đủ nước.

Có được kết quả này theo chúng tôi nhận định là do sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố và EVN.

Bên cạnh đó, có một tiếng nói không thể thiếu của các cơ quan báo chí, truyền thông đã tổ chức tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả tại các địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể như tình hình thủy triều không thuận lợi, hiện tượng xói lòng sông nên việc nâng mực nước sông Hồng lên mức 2,2 m gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương lấy nước không tập trung theo các đợt nên hiệu quả của từng đợt lấy nước chưa cao.

Song với sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt kinh nghiệm điều hành xả nước, lấy nước từ những năm qua của các đơn vị như: chủ động tiến hành xả đệm trước từng đợt từ 1,5 đến 2,25 ngày, tình hình xả và lấy nước được Tổng cục Thuỷ lợi cập nhật trực tuyến trên website capnuocdongxuan.httl.com.vn, và các địa phương tăng cường các trạm bơm dã chiến nên những khó khăn trên đều được chúng tôi khắc phục.

BNEWS: Để sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ hài hòa các mục tiêu trên, với vai trò là đơn vị quản lý các hồ này, đặc biệt là các hồ thủy điện đa mục tiêu, EVN đã đưa ra những giải pháp lâu dài và khuyến nghị gì đối với các ngành, địa phương và người dân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến khó lường ?

Ông Ngô Sơn Hải: Để sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ hài hòa các mục tiêu này, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp.

Trước tiên, chúng tôi quán triệt các Công ty Thủy điện thực hiện tốt Quy trình liên hồ chứa. Đồng thời chủ động đề xuất, khuyến nghị với các cấp quản lý Trung ương và địa phương để đảm bảo sử dụng tốt nhất nguồn nước của các hồ thủy như: Khuyến nghị thay đổi các mực nước chống lũ với từng công trình;

Chính xác dần thời điểm tích nước và xả nước phù hợp với điều kiện vận hành thực tế; Xác định quy mô dòng chảy tối thiểu phù hợp với điều kiện hạ lưu công trình.

Trong công tác vận hành hồ chứa, chúng tôi căn cứ theo mực nước trung bình ngày hôm trước của Trạm thủy văn ở hạ du để quyết định lưu lượng vận hành của hồ chứa. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chống lũ cho hạ du, chúng tôi điều chỉnh huy động các Nhà máy điện khác để đảm bảo cân bằng nguồn phát và phụ tải.

Tập đoàn cũng khuyến nghị với các ngành, địa phương và người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến khó lường cùng EVN, tích cực tuyên truyền sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, với Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cần nâng cao chất lượng dự báo phục vụ tốt nhất công tác vận hành các hồ chứa

Với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, chúng tôi cho rằng cần xem xét kịp thời sửa đổi và bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông đảm bảo phù hợp với điều kiện, bối cảnh biến đổi khí hậu đang tiếp tục có những diễn biến khó lường.

Đồng thời, nghiên cứu cải tạo hệ thống thủy lợi ở Đồng bằng sông Hồng, đảm bảo sử dụng tối ưu nguồn nước từ các hồ thủy điện. Mặt khác, nghiên cứu tổng thể trong việc xử lý chống mặn tại các khu vực cửa sông nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn nước ngọt tại các hồ chứa phục vụ chống mặn.

Về phía các địa phương và người dân cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán gieo trồng để thống nhất thời gian, nhu cầu lấy nước của các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước bởi thực tế là đối với các vùng ven biển lấy nước làm đất sớm trong khi vùng trung du lại làm đất muộn, dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước.

BNEWS: Xin cảm ơn ông !

>>> Nâng tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian

>>> EVN đảm bảo tiến độ nhiều dự án nguồn và lưới điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục