Khi các nước áp thuế thấp để thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp lách thuế

06:03' - 25/09/2016
BNEWS Chính sách thuế vô cùng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đang giúp Ireland trở thành “thỏi nam châm” hút hút vốn đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài tới đặt trụ sở.
Apple bị truy thu thuế lên tới 14,5 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Vụ việc Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết yêu cầu tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) trả khoản tiền thuế truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) cho Ireland một lần nữa đặt lại vấn đề những kẽ hở trong luật thuế đang giúp các công ty trên toàn cầu trốn hàng tỷ USD tiền thuế và các thiên đường thuế thu hút nguồn vốn đầu tư lớn.

Liệu thông điệp của EU có thể tạo bước ngoặt mới trong nỗ lực chống tình trạng trốn thuế ? Nếu Ireland và Apple kháng cáo không thành, ngoài việc gây ảnh hưởng tới khả năng thu hút vốn đầu tư của Ireland, phán quyết của EU rất có thể tạo tiền lệ về truy thu thuế cũng như châm ngòi cho những mâu thuẫn thương mại tiềm tàng giữa các nước liên quan.

Chính sách thuế vô cùng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đang giúp Ireland trở thành “thỏi nam châm” hút hút vốn đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài tới đặt trụ sở.

Thủ đô Dublin của Ireland đang trở thành một đối thủ tiềm năng của các thành phố lớn khác tại châu Âu như Paris (Pháp) hay Frankfurt (Đức) trong việc cạnh tranh với London (Anh) trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hay địa điểm thích hợp để các tập đoàn tài chính và ngân hàng chuyển trụ sở, đặc biệt là sau khi nước Anh rời EU.

Chính phủ Ireland chủ trương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng nhiều cách, một trong số này là áp mức thuế doanh nghiệp thấp, chỉ có 12,5%, một mức thuế được gọi đùa là “yêu thương” nếu so với mức thuế trên 30% của Đức hay của Mỹ.

Ireland trở thành "thung lũng silicon" cho các công ty công nghệ cao nhờ chính sách thuế ưu đãi. Ảnh: reuters

Nhờ chính sách miễn thuế dành cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, thuế doanh nghiệp thấp và nguồn lao động tốt nghiệp đại học tại địa phương dồi dào, một thành phố cảng lâu đời nằm ở Tây Nam Ireland như Cork - nơi Apple đặt trụ sở chính của tập đoàn tại châu Âu với hơn 5.000 nhân viên - bỗng chốc trở thành “thung lũng silicon” tại Ireland, thu hút nhiều công ty đa quốc gia và công ty mới thành lập.

Apple là một trong những tập đoàn công nghệ đầu tiên “khai phá” mảnh đất này và đã mở hai chi nhánh tại Cork là Apple Sales International và Apple Operations Europe.

Từ năm 1991, Apple nộp thuế công ty ở mức 12,5% cho các hoạt động và doanh thu trong nước. Đổi lại, Ireland cho phép tập đoàn này chuyển lợi nhuận từ nhiều khu vực trên thế giới vào chi nhánh thứ hai mà hầu như không phải chịu mức thuế nào.

Năm 2003, cả hai chi nhánh này của Apple chỉ phải nộp mức thuế 1%, song đến năm 2014, mức thuế này đã giảm xuống ngưỡng siêu tượng trưng là 0,005%, đồng nghĩa rằng cứ 1 triệu euro kiếm được, thì Apple chỉ phải trả 50 euro tiền thuế. Ireland đang trở thành một trong những thiên đường thuế đáng gờm nhất.

Sau khi EU ra phán quyết nói trên, Bộ trưởng Tài chính Ireland, Michael Noonan thẳng thừng: “Trên toàn châu Âu hiện có nhiều sự đố kỵ đối với thành công của Ireland và nhất là thủ đô Dublin trong việc thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đặt văn phòng, trụ sở”. Ông cũng tuyên bố với các nhà đầu tư nước ngoài và Ireland rằng sẽ không có sự thay đổi nào đối với mức thuế doanh nghiệp 12,5%.

Hoạt động của các công ty nước ngoài giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của quốc đảo này. Ưu đãi thuế đóng góp lớn vào đà phục hồi của kinh tế Ireland, sau cuộc suy thoái bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường bất động sản năm 2007, trong khi FDI là động lực đằng sau sự phát triển kinh tế ấn tượng.

Văn phòng Thống kê Trung ương nước này vừa thông báo GDP của Ireland tăng tới 26% trong năm 2015. GPD hàng năm của Ireland hiện khoảng 170 tỷ euro. Quy mô FDI trên tổng GDP của Ireland tăng không ngừng, từ 10% năm 2011 lên trên 52,8% năm 2015.

FDI đóng góp lớn cho thị trường lao động Ireland. Ảnh: TTXVN

FDI cũng đóng góp rất lớn cho thị trường lao động nước này. Đến cuối năm 2013, các công ty nước ngoài làm ăn tại đây đã mang lại 161.112 việc làm, chi 8 tỷ euro tiền lương và 10,38 tỷ euro cho các dịch vụ sở tại.

Không thể phủ nhận, ngoài chính sách thuế hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, Ireland có nhiều điểm mạnh mà nhiều nước châu Âu khác không có. Ireland luôn đứng trong tốp các nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao nhất, đứng thứ 13 trong năm 2015 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Theo xếp hạng của Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (IMD), Ireland dẫn đầu về khả năng cung cấp nhân lực kỹ thuật cao. Đồng thời, chi phí lao động tại Ireland khá ổn định, chỉ tăng 4% trong giai đoạn 2008-2014 so với mức bình quân 14% của EU.

Chi phí lao động của Ireland đứng thứ 11 trong EU, thấp hơn cả Luxembourg, Đức, Bỉ hay Hà Lan. Lực lượng lao động của Ireland có thể đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ của ít nhất 10 thứ tiếng khác nhau và có độ tuổi bình quân thấp nhất châu Âu.

Đảm bảo nguồn FDI cho nền kinh tế cũng với sự tự chủ về hệ thống thuế trong nước là lý do khiến Ireland chẳng muốn khoản tiền thuế truy thu mà họ “bị bắt phải nhận” trị giá 14,5 tỷ USD từ Apple, thậm chí là 21,3 tỷ USD nếu cộng cả lãi suất.

Vụ việc của Apple được cho là do luật thuế của Ireland đã tạo ra kẽ hở cho các công ty FDI trốn thuế Ảnh: Reuters

Quay lại câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết về việc các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở luật pháp để trốn và tránh thuế. Liên quan đến vụ việc Apple được cho là trốn thuế ở Ireland, theo quan điểm của Mỹ và các quốc gia châu Âu khác, hệ thống thuế hiện nay của Ireland có quá nhiều kẽ hở khi nó tạo điều kiện cho các công ty đa quốc gia dịch chuyển lợi nhuận sang các vùng lãnh thổ khác nhau để tránh mức thuế cao trong nước.

Trước áp lực ngày càng gia tăng, những năm gần đây, Chính phủ Ireland đã thực hiện những thay đổi trong chính sách thuế của mình. Đáng chú ý nhất là vào năm 2014, Bộ Tài chính Ireland đã thông qua kế hoạch không cho phép các công ty đa quốc gia thực hiện kỹ thuật “hai chi nhánh” nhằm trốn thuế thu nhập.

Ireland cũng đang xem xét việc điều chỉnh quy định 110 trong Bộ luật Tài chính 1997, quy định mà EU cho là tạo kẽ hở để các quỹ đầu tư lớn chỉ phải đóng vài trăm euro tiền thuế trên tổng danh mục tài sản hàng triệu euro.

Thành lập “hai chi nhánh” là một kỹ thuật phổ biển được nhiều các công ty lớn như Apple, Google, Linkendln sử dụng. Như ông chủ của Apple, Tim Cook từng tuyên bố trước một Ủy ban Thượng viện Mỹ cách đây ba năm, họ không có ý định đem về Mỹ hàng trăm tỷ USD lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của mình để phải chịu mức thuế cao vô lý lên tới 40%, cho đến khi nào Bộ Tài chính Mỹ giảm thuế doanh nghiệp.

Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, đến cuối năm 2015, các công ty của Mỹ “cất giữ” khoảng 1.200 tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài.

Nhiều đời tổng thống Mỹ cũng như các ứng cử viên tranh cử vị trí này đã từng hứa sẽ buộc các công ty Mỹ đem tiền lợi nhuận của họ ở nước ngoài về nước, song cho đến nay điều này vẫn chưa xảy ra.

Chưa có gì ngăn cản các tập đoàn lớn như Apple “gửi” lợi nhuận tại các “bến đỗ” hấp dẫn ở nước ngoài để tránh mức thuế cao trong nước đồng thời lại được hưởng nhiều ưu đãi của nước sở tại, khi chính phủ nhiều nước như Chính phủ Ireland cũng muốn tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục