Khó khăn “giữ chuẩn” nông thôn mới

17:03' - 06/12/2016
BNEWS Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt mới thực sự là một “bài toán” nan giải đối với các xã nông thôn mới ở Vĩnh Phúc.
Việc duy trì các tiêu chí chuẩn nông thôn mới là bài toán khó đối với Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Thanh Hà - TTXVN
Sau 5 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã có 68 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công 19 tiêu chí thực chất chỉ mới là bước đầu của chương trình. Vì vậy, sau khi được công nhận đạt chuẩn, việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt mới thực sự là một “bài toán” nan giải đối với các xã nông thôn mới ở Vĩnh Phúc. 

*Loay hoay giữ chuẩn 

Sau gần 2 năm hoàn thành diện mạo nông thôn xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng “thay da đổi thịt”. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi; trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… được xây mới khang trang, sạch đẹp, thu nhập bình quân của người dân đạt 26 triệu đồng/người/năm. 

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phiên cho biết: “Nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay cho Duy Phiên, mọi mặt đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng, giữ vững và phát triển những tiêu chí đã đạt được quả là một vấn đề không hề dễ”. 

Theo ông Tiến, ngoài tiêu chí khó bền như an ninh - trật tự xã hội thì xã đang loay hoay với tiêu chí môi trường. Hiện tại, xã Duy Phiên vẫn chưa có địa điểm tập kết rác thải tập trung mà phải tự xử lý tại địa phương. Do đó tình trạng người dân xả rác bừa bãi không tránh khỏi. 

Cùng với đó, tiêu chí thu nhập... cũng khiến dịa phương “thấp thỏm” khi giữ chuẩn. Bởi xã Duy Phiên xã thuần nông, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 50%, nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế, do vậy việc nâng cao mức thu nhập đối với những địa phương này trở nên vô cùng khó khăn. 

Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã Duy Phiên phải gánh số nợ khá lớn, hơn 17 tỷ đồng. Hiện nay, xã còn rất nhiều tiêu chí cần phải đầu tư để giữ vững nông thôn mới như tiêu chí giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tiêu chí trường học, tiêu chí môi trường... Sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vận động nhân dân đóng góp ngày càng hạn hẹp và nguồn lực để nâng cấp các tiêu chí đạt chuẩn chủ yếu dựa vào bán đấu giá đất dịch vụ. “ Gần chục năm trở lại đây, xã không bán đấu giá được đất dịch vụ nào”, ông Nguyễn Ngọc Tiến trăn trở. 

Theo thống kê của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, trong 2 năm 2014 – 2015, tỉnh đã đầu tư trên 2.850 tỷ đồng cho các xã xây dựng các công trình phục vụ nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện nâng cấp các tiêu chí đạt chuẩn. 

Hiện nay, một số tiêu chí xã được tỉnh cho nợ trước khi về đích nông thôn mới như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… vẫn giậm chân tại chỗ do không có nguồn vốn. 

*Vừa giữ vừa "trả nợ" chuẩn 

Là một trong 20 xã điểm của Vĩnh Phúc về đích nông thôn mới năm 2013, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư hơn 80 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã trải bê tông 100% tuyến đường trục chính trong xã và liên xã; cứng hóa gần 55% đường trục nội đồng; nâng cấp hệ thống trường mầm non, trung học, phổ thông và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Mức thu nhập bình quân đã đạt gần 16 triệu đồng/người/năm. 

Ông Trần Đình Phong, Bí thư Đảng ủy xã Bồ Lý cho biết, chính quyền xã luôn xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục chứ không phải công nhận xong là kết thúc. Vì vậy, sau khi được công nhận, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí; trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa. 

Xã đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế toàn diện, trong đó tập trung phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm nông thôn mới luôn phát triển ổn định, bền vững. Chính quyền xã đã vận động người dân đưa cây na dai và con bò sữa vào sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, toàn xã với trên 1 nghìn con bò thịt và hơn 100 con bò sữa, hơn 140 ha trồng na dai, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. 

Tuy nhiên, với các tiêu chí còn lại thì xã Bồ Lý lại đang chật vật để phát triển. Hiện xã Bồ Lý mới xây dựng 2 khu vực thu gom rác thải sinh hoạt. Do địa bàn miền núi, đường xá đi lại khó khăn trong khi kinh phí chi cho Hợp tác xã môi trường hoạt động quá thấp, một tháng chỉ tiến hành thu gom 3 lần nên lượng rác thải tồn đọng lớn. Bên cạnh đó, do việc phát triển chăn nuôi ồ ạt, việc xây dựng hệ thóng xử lý chất thải còn hạn chế nên hiện tượng vứt xác gia súc, gia cầm chết ven đường, khu đông người qua lại thường xuyên xảy ra. Nhiều hộ chăn nuôi xả thải trực tiếp ra kênh mương, đồng ruộng gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. 

Một khó khăn nữa đối với Bồ Lý là việc trả nợ tiêu chí nông thôn mới. Hiện xã Bồ Lý có 8/11 thôn đã có nhà văn hóa mới, trang bị đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ba thôn còn lại chưa có nhà văn hóa 3 thôn còn lại là: Yên Hòa, Cầu Chang, Bồ Ngoài vẫn xây phải sinh hoạt chung với đình làng từ những năm 2000. Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa xã dù đã xây xong nhà điều hành, khu luyện tập thể thao nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng do chưa có sân bãi, lối vào. 

Hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã khó, nhưng việc giữ chuẩn còn khó khăn hơn. Vì thế, khi đã đạt chuẩn và để giữ vững các tiêu chí đã đạt, nhất là tiêu chí dễ biến động cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và sự đồng thuận cao trong nhân dân để nỗ lực để giữ vững các tiêu chí đã đạt và phát triển các tiêu chí theo hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục