Khó xác định giá trị doanh nghiệp xây dựng khi cổ phần hóa

06:05' - 04/03/2016
BNEWS Tính đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành công tác cổ phần hóa 10/14 Công ty mẹ - Tổng công ty trực thuộc.
Khó xác định giá trị doanh nghiệp xây dựng khi cổ phần hóa. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Vẫn còn 4 Tổng công ty sẽ tiếp tục phải thực hiện nhưng trong quý II năm 2016 dự kiến chỉ có 3 đơn vị hoàn tất công tác này.

Các đơn vị này gồm Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) do đang thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu một số nhà máy xi măng nên công tác cổ phần hóa sẽ cố gắng hoàn tất trong năm 2016 để có thể chính thức chuyển sang mô hình mới vào đầu năm 2017.

Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc trong năm 2015 của Bộ Xây dựng không hoàn thành.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đây cũng là bài toán khó không chỉ của riêng doanh nghiệp ngành xây dựng mà nút thắt nằm ở khâu định giá tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhóm các doanh nghiệp liên quan nhiều đến tài sản là đất đai, bất động sản cùng các dự án đang thực hiện dở dang gặp khó nhiều nhất trong việc xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Thanh Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng), hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng có quy mô khá lớn, nhiều tổng công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước từ 1.000 - 15.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp có tài sản là quyền sử dụng đất, văn phòng, nhà xưởng, khu đô thị, khu công nghiệp, máy móc xây dựng và các khoản đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Bởi vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa rất khó.

Đó là chưa kể trong khi thực hiện còn liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Riêng quá trình xem xét, lấy ý kiến thống nhất giữa các cơ quan này mất khá nhiều thời gian.

Một số vướng mắc phải có ý kiến của các cơ quan Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới có thể xử lý được như: xác định các khoản đầu tư chưa niêm yết; phân định sở hữu chung, sở hữu riêng tại các dự án nhà ở; xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp; tìm kiếm cổ đông chiến lược... – ông Minh cho biết.

Ngay như phương pháp định giá các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp chưa niêm yết theo phương pháp vốn chủ sở hữu chưa phản ánh được tính thị trường của các khoản đầu tư, dẫn tới giá trị khoản đầu tư thực tế bị giảm do thua lỗ.

Tuy nhiên, khi thống kê vẫn phải tính theo giá trị ghi trên sổ sách, trong khi doanh nghiệp đã trích lập dự phòng nhưng không được sử dụng để bù đắp mà phải hoàn nhập vào vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, những khó khăn này đã được giải quyết từng bước nhờ cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã chủ động, linh hoạt trong cách xử lý, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan đối với từng trường hợp cụ thể.

Do đó, một trong những nhiệm vụ ngành xây dựng phải quyết liệt triển khai trong năm 2016 vẫn là thực hiện đề án tái cơ cấu. Trọng tâm là hoàn thành công tác cổ phần hóa các Tổng công ty và tiếp tục thực hiện thoái vốn theo lộ trình hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho hay, cũng trong giai đoạn này, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện Chủ sở hữu giai đoạn 2016-2020 theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tế về tái cấu trúc nền kinh tế và Đề án tái cơ cấu ngành nây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Hiện các Tổng công ty đang tiếp tục thoái vốn các danh mục theo đề án, đồng thời thực hiện việc sắp xếp lại các công ty con, công ty liên kết, điều chỉnh tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại các đơn vị thành viên để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hiện các Tổng công ty đang tiếp tục thoái vốn các danh mục theo đề án. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Thừa nhận công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại một số tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch, một số lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, có những hoạt động đầu tư ngoài ngành nhưng đã đem lại hiệu quả rất cao.

Cùng đó, có nhiều dự án đang thực hiện dang dở, như trồng cây sắp đến ngày hái quả, nên nếu buông tay ngay thì rất đáng tiếc.

Việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết, nhưng cũng cần nhắc lộ trình và tùy từng lĩnh vực, đơn vị cụ thể để tránh thiệt hại về vốn mà vẫn gia tăng được giá trị khi cổ phần hóa – các doanh nghiệp đề xuất.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2011-2015, tổng số các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa trực thuộc Bộ Xây dựng gồm 14 tổng công ty là Công ty TNHH MTV, 14 công ty con cổ phần hóa cùng công ty mẹ và 2 công ty con cổ phần hóa độc lập. Kết thúc năm 2015, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành công tác cổ phần hóa 10/14 Công ty mẹ - Tổng công ty trực thuộc.

Để hoàn thành tốt đề án tái cơ cấu, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh khẳng định ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng tiêu chí mang tính đặc thù riêng để chọn được nhà đầu tư chiến lược phù hợp với điều kiện ngành nghề, thực tế đặt ra./.

Trong năm 2015, các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã thoái vốn 34 danh mục, giá trị đầu tư 674,90 tỷ đồng, thu về 701,71 tỷ đồng. Lũy kế kết quả thực hiện đến hết năm 2015, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ đã thoái vốn thành công 77/170 danh mục, đạt 45% kế hoạch với giá trị vốn Nhà nước là 1.820,92 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch, giá trị thực tế thu về 1.989,65 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch. Các Công ty mẹ - Tổng công ty trực thuộc Bộ đã cơ bản thoái hết các danh mục đầu tư ngoài ngành, ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục