Khoảng 10 trang trại tại Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn

08:55' - 17/08/2017
BNEWS Các trang trại này hiện cung cấp khoảng 5% tổng nhu cầu sử dụng thịt lợn của thị trường Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 10 trang trại nuôi lợn đang tham gia kích hoạt và cung cấp các thông tin và gắn vòng nhận diện, vòng xuất trại truy xuất nguồn gốc. Các trang trại này hiện cung cấp khoảng 5% tổng nhu cầu sử dụng thịt lợn của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Khoảng 10 trang trại tại Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Ảnh minh họa: Phương Anh-TTXVN

Theo Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn”, kể từ ngày 31/7/2017, Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc toàn bộ lợn nhập vào địa bàn này phải đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng yêu cầu về quyền của người tiêu dùng. Đây cũng là lối mở cho người chăn nuôi, cách bảo vệ ngành chăn nuôi Việt Nam; đáp ứng yêu cầu quyền được thông tin của người tiêu dùng.
Ông Trai cho biết thêm, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ở khâu kiểm tra, kiểm soát trên thị trường mà phải đi sâu từ khâu sản xuất. Bà Rịa-Vũng Tàu rất ủng hộ Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn” vì đây là chủ trương tiến bộ để hội nhập quốc tế.

Trong quá trình thực hiện, nếu xuất hiện khó khăn, vướng mắc, chính quyền sẽ cùng người dân tháo gỡ. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ về tận các xã tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách thức đăng ký tham gia, đeo vòng và kích hoạt vòng nhận diện cho lợn.

Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu khi tham gia đề án đeo vòng, ngành chức năng sẽ hỗ trợ 50% chi phí, bao gồm chi phí mua vòng nhận diện cho người chăn nuôi, 50% chi phí mua tem truy xuất cho người bán thịt lợn tại các chợ lẻ, lắp đặt các thiết bị chuyên dùng đọc mã cho cơ quan thú ý….
Theo đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn”, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone) quét miếng thịt lợn, từ đó sẽ biết rõ xuất xứ, trang trại nuôi, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, đã được tiêm ngừa những loại thuốc nào, ăn thức ăn gì, có gì bất ổn trong quá trình vận chuyển từ trại đến lò mổ và đến chợ, thịt lợn đạt chuẩn GAP hay không…

Tất cả các thông tin của miếng thịt sẽ được báo cáo trong chương trình điện tử. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng từ chối sử dụng. Lập tức, người chăn nuôi cũng sẽ nhận được thông báo miếng thịt họ cung cấp đã bị từ chối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục