Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam và quốc tế là rất lớn

14:31' - 06/01/2016
BNEWS Nhà nước không thể hỗ trợ cho từng doanh nghiệp, mà bản thân các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng hợp lý với hàng hóa với thế giới.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân  lo ngại nếu không có biện pháp đặc biệt và cơ chế vận hành hiệu quả thì trong nhiều năm nữa Việt Nam vẫn không đuổi kịp nước khác được.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân. Ảnh: TTXVN.

“Trong những năm qua sự tiến bộ trong năng suất chất lượng vẫn còn rất khiêm tốn, khoảng cách còn lớn nếu chúng ta không có cơ chế hiệu quả thì nhiều năm nữa vẫn chưa đuổi kịp các nước khác.” ông Quân chia sẻ.

Ông nói: “Thời gian qua, có một số thông tin cho rằng năng suất lao động của Việt Nam đến năm 2059 mới đuổi kịp Thái Lan, tôi cho rằng thông tin đó “chưa toàn diện” nhưng cũng phần nào phản ánh lên được thực trạng là chúng ta thua thật vì trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, tay nghề của người lao động Việt Nam thua kém họ. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn nhiều vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng… làm chúng tôi rất trăn trở”.

Hơn nữa thực tiễn hiện nay, năng suất và chất lượng hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, sức cạnh trạnh còn thấp so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, người người tiêu dùng đang lo lắng cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng giả, hàng nhái.

Theo Bộ trưởng, vấn đề năng suất lao động trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết khi Việt Nam đã trở thành thành viênCộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đang chuẩn bị cho Hiệp định thương mại tự do với EU, và sắp tới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP).

“Hội nhập đặt ra thách thức rất lớn, đặc biệt là với chất lượng, sản phẩm hàng hóa… Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu sản phẩm, giá thành không cạnh tranh được”, ông nói.

TS. Lưu Bích Hồ. Ảnh: BNEWS.

Đồng quan điểm, TS. Lưu Bích Hồ thẳng thắn: "Làm gì cũng phải có năng suất, chất lượng mới phát triển được. Nền kinh tế chúng ta hiện nay đang gặp nhiều vấn đề và chưa làm được như chúng ta mong muốn vì chúng ta chưa chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà đổi mới sáng tạo là cốt lõi.”

Theo một nghiên cứu của ông thì muộn nhất là năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại thực sự. Để thực hiện được mục tiêu này, bản thân doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo quản lý nhà nước phải làm việc có năng suất, chất lượng cao.

Bản thân các doanh nghiệp với vai trò trung tâm, chủ thể của nền kinh tế. Tất cả các loại doanh nghiệp cần phải có một khẩu hiểu “tất cả vì doanh nghiệp và bởi doanh nghiệp”. Doanh nghiệp không phải vì giải thưởng mới cố gắng nâng cao năng suất chất lượng mà vì chính bản thân mình, ông Bích Hố nhấn mạnh.

Dưới góc độ khác, GS. TSKH Nguyễn Quang Thái lại nhấn mạnh đến tính liên kết của doanh nghiệp cùng hướng đến năng suất cao chất lượng tốt. “Làm sao để xã hội thấy sự tôn vinh này là xứng đáng, sự tôn vinh này phải trở thành động lực để cả xã hội hướng đến”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: TTXVN.

Đồng tình với TS Lưu Bích Hồ về vấn đề đổi mới và sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chỉ ra dưới góc nhìn của thế giới thì định nghĩa hai từ “khởi nghiệp” đó là ám chỉ những doanh nghiệp khởi đầu bằng những sản phẩm sáng tạo trí tuệ. Để sau đó, các doanh nghiệp đi vào hội nhập. Mà bản chất của hội nhập chính là cạnh tranh.

“Trách nhiệm của nhà nước là tạo hệ sinh thái cho khởi nghiệp”, Thứ trưởng Đông nói. Hơn lúc nào hết, Bộ Kế hoạch Đầu tư đồng hành cùng bộ Khoa học Công nghệ để tìm ra các sản phẩm sáng tạo, giúp các doanh nghiệp lớn lên.

"Cạnh tranh quốc gia chỉ có thể đạt được trên cơ sở cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Nhà nước không thể hỗ trợ cho từng doanh nghiệp, mà bản thân các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng hợp lý với hàng hóa với thế giới”, ông Đông cho hay.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh: TTXVN

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn( BSR) cho biết: “ Là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong những năm qua BSR luôn triển khai áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tối ưu hóa chi phí trong sản xuất, trung bình mỗi năm BSR đã tiết kiệm từ 500-1000 tỷ đồng, và từ năm 2006 đến nay số tiền mà BSR tiết kiệm được ước tính gần 10.000 tỷ đồng.

Hiện công tác quản trị doanh nghiệp của BSR theo chuẩn quốc tế, vận hành sản xuất được từng bước chuẩn hóa thông qua việc áp dụng trên 1500 quy trình vận hành chi tiết. BSR cũng hoàn thành hệ thống kho bãi cho trên 50 nghìn chủng loại vât tư, vận hành bởi hệ thống phần mềm CMMS/Maximo với chu trình khép kín”.

Cũng tại buổi tọa đàm này, ông Nguyễn Xuân Hoàn, đại diện Công ty cổ phần May 10, cho biết tính đến thời điểm hiện tại “May 10 là đơn vị duy nhất trong ngành may có phòng nghiên cứu cải tiến sản xuất. Chúng tôi cải tiến năng suất, chất lượng đến phần trăm của giây. Sau đó đào tạo công nhân làm theo chuẩn đó”, ông Hoàn nói.

Ông Hoàn nói, là người Việt Nam ông cảm thấy rất “tủi thân” khi đọc được thông tin năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục