Khởi công dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn

20:03' - 04/09/2015
BNEWS Chiều 4/9, tại cảng cá Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang và Tổng công ty Điện lực miền Nam đã khởi công Dự án cấp điện lưới Quốc gia cho xã đảo Lại Sơn.

Đây là giải pháp lâu dài và cơ bản để cung cấp điện ổn định và tin cậy cho các xã đảo của tỉnh từ hệ thống điện Quốc gia thông qua cấp điện áp 110kV, 22kV, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khởi công dự án đưa điện ra đảo Lại Sơn. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Đánh giá về tính khả thi của dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phạm Vũ Hồng cho rằng Dự án Cấp điện lưới Quốc gia cho xã đảo Lại Sơn là bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển của tỉnh Kiên Giang.

Dự án không chỉ lớn về quy mô đầu tư, về giá trị, mà khi dự án đưa vào sử dụng dịp 30/4/2016, góp phần rất lớn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển của xã đảo. Đồng thời nhân dân trên đảo còn được hưởng lợi từ giá điện của điện lưới Quốc gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên đảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, xã đảo Lại Sơn là đảo lớn nhất và đông dân cư nhất của huyện Kiên Hải, nằm trong vịnh Hà Tiên thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc , cách thành phố Rạch Giá khoảng 65 km về phía Tây . Khoảng cách gần nhất của xã đảo với đất liền là khu vực Xẻo Nhàu, huyện An Minh (khoảng 25 km).

Theo Chủ tịch UBND xã Lại Sơn, hiện nay 90% số hộ dân trên đảo sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ với thời gian phát điện 12 giờ vào các ngày bình thường và 24/24 giờ vào các ngày Lễ, Tết . Do vậy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của n hân dân trên đảo có những khó khăn nhất định .

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển đảo Việt Nam đến 2020, với mục tiêu tiêu phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền Quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc , ngày 15/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 6262/VPCP-KTN chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu lập Dự án đầu tư kéo đường dây trung thế nối lưới điện Quốc gia ra các đảo gần bờ của tỉnh Kiên Giang ; trong đó có xã đảo Lại Sơn.

Khởi công dự án đưa điện ra đảo Lại Sơn. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, sau khi hoàn thành việc cấp điện lưới Quốc gia cho huyện đảo Phú Quốc vào tháng 2/2014, cho xã đảo Hòn Tre là Trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải và tháng 2/2015, thực hiện chỉ đạo của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã lập dự án đầu tư cấp điện cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang, thuộc các huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng để cấp điện lưới Quốc gia cho 6.800 hộ dân thuộc các xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du của huyện Kiên Hải; các xã Sơn Hải, Hòn Nghệ của huyện Kiên Lương; xã Hòn Thơm của huyện Phú Quốc và xã Tiên Hải của thị xã Hà Tiên . Dự án t hực hiện từ năm 2015 đến năm 2020 . T uyến đường dây 110kV trên đất liền An Biên - Xẻo Nhàu và tuyến đường dây 110kV trên không vượt biển Xẻo Nhàu - Lại Sơn chính là dự án đầu tiên được xây dựng trong tổng dự án nêu trên .

Theo Công ty Tư vấn Điện miền Nam, Dự án cấp điện cho xã đảo Lại Sơn có vốn đầu tư 468 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Nam tự thu xếp được xây dựng bao gồm 2 hạng mục: Xây dựng mới đường dây 110kV An Biên - Lại Sơn, chiều dài 43,9 km (đoạn trên đất liền dài 19,4 km, đoạn trên biển dài 24,5 km), có công suất truyền tải 70 MVA. Đây cũng là Dự án đường dây 110kV trên không vượt biển có quy mô lớn nhất, lần đầu tiên được thực hiện tại Kiên Giang.

Dự án còn xây dựng mới trạm biến áp 110kV Lại Sơn có quy mô công suất 50 MVA, trước mắt lắp đặt một máy 25 MVA. Dự án có khả năng cung cấp tối đa hàng năm hàng trăm triệu kWh, gấp nhiều lần so với năng lực cung cấp điện từ máy phát điện chạy diesel ở Lại Sơn hiện nay .

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hợp cũng cho rằng, khi dự án hoàn thành không chỉ cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân, giúp ổn định dân cư trên đảo mà còn góp phần cho xã đảo Lại Sơn phát triển các ngành nghề hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy hải sản, sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ và dịch vụ du lịch . Việc đưa điện lưới Q uốc gia ra đảo Lại Sơn là tiền đề cấp điện đến các đảo Nam Du và An Sơn của Kiên Giang trong tương lại.

“Dự án cũng giảm bớt và tiến tới ngừng sản xuất điện bằng máy phát điện diesel nhỏ, giảm tối đa ô nhiễm môi trường cho biển đảo tỉnh Kiên Giang. Khi xã đảo có điện lưới quốc gia cũng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí do không phải phát điện bằng diesel, giảm gánh nặng chi phí ngân sách cho địa phương hàng năm”, ông Nguyễn Văn Hợp nói.

Là một dự án lớn với địa hình thi công phức tạp do ảnh hưởng của thời tiết biển đảo , ông Phạm Vũ Hồng cũng yêu cầu l ãnh đạo UBND huyện An Minh, Kiên Hải, Cảng vụ, Tỉnh đội, Biên phòng, các đơn vị liên quan của tỉnh Kiên Giang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ Tổng công ty Điện lực Miền Nam, đơn vị trúng thầu thi công triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình thi công, đặc biệt trong công tác cảnh giới trên biển. UBND tỉnh Kiên Giang sẽ luôn theo dõi và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh để dự án được tiến hành một cách thuận lợi nhất.

Tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Kinh tế biển đảo không có điện lưới Quốc gia thì không thể phát triển được. Đưa điện lưới Quốc gia ra đảo là một chiến lược rất quan trọng. Vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án. Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ song hành với chất lượng và mong muốn đến năm 2016 lưới điện trên đảo Lại Sơn sẽ hòa chung vào nhịp đập của dòng điện Quốc gia của cả nước.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Lại Sơn tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nhất là kinh tế thủy sản, để nâng cao thu nhập của người dân. Cụ thể , phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn nuôi cá lồng bè trên biển, khai thác đánh bắt thủy sản, trồng rau sạch, chăn nuôi trên cơ sở xây dựng những mô hình thí điểm, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, tổ hợp tác giúp cư dân trên đảo sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. /.

Mai Phương-Huy Hải

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục