Khơi dậy niềm tin khởi nghiệp - Bài 1

06:44' - 18/08/2016
BNEWS Khởi nghiệp đang dần trở thành trào lưu có sức lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam và là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bài 1: Xuyên suốt mục tiêu khởi nghiệp

Chưa bao giờ cụm từ khởi nghiệp hay còn gọi là startup được nhắc nhiều đến như thời gian gần đây. Nó trở ngày câu cửa miệng của giới trẻ và xuất hiện ngày càng nhiều tại các cuộc hội thảo, phương tiện thông tin.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn quan tâm và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Đặc biệt, chính các thành viên Chính phủ trên hết là người đứng đầu Chính phủ đã luôn giành sự quan tâm đến phong trào khởi nghiệp với những thông điệp và hành động cụ thể, mạnh mẽ. Khởi nghiệp đang dần trở thành trào lưu có sức lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam và là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, trong các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp.

Tinh thần khởi nghiệp cũng được lan tỏa mạnh mẽ khi lãnh đạo chính quyền ở các tỉnh, thành, địa phương  đã có chung tuyên bố về tinh thần khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà điển hình như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bến Tre…

Tại Hà Nội, với mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, Hà Nội coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

TP. Hồ Chí Minh cũng  xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp. Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khởi sự lập nghiệp thành công bằng những chính sách ưu đãi cụ thể, luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị, để cùng hướng tới khởi nghiệp quốc gia thành công.

Trong khi đó, tại Bến Tre, chính quyền tỉnh cũng xác định một trong những nhiệm vụ đột phá của tỉnh là phát triển doanh nghiệp và hình thành phong trào “Đồng khởi khởi nghiệp”…

Tại các địa phương, các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp như “quán cà phê doanh nhân” đang ngày càng được nhân rộng, mà tại đó lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên có các cuộc gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nhân trong quá trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của mình.

Không chỉ bằng thông điệp, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành ráo riết nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị ban hành.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành.Ảnh minh họa: TTXVN

Nghị quyết 19 của Chính phủ trong các năm 2014, 2015, 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã thể hiện rõ điều này; trong đó đặt ra yêu cầu cải thiện triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, làm thế nào rút ngắn được quy định trên giấy tờ với thực thi của đội ngũ cán bộ công chức.

Và mới đây nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo Nghị quyết 35, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung triển khai thời gian tới; trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc gặp mặt 100 doanh nghiệp trẻ suất sắc năm 2016. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc gặp gỡ với 100 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ tìm mọi biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Chính phủ sẽ có thể chế chính sách để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp bằng cách phát triển công cụ chính sách như quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm…

Chính phủ sẽ làm hết sức mình, sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng các địa phương trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng đã chuẩn bị trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhắn nhủ với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tham gia thị trường, doanh nghiệp phải đi bằng đôi chân của chính mình trên cơ sở một doanh nghiệp chân chính, phải nỗ lực, đổi mới và sáng tạo, phải liên kết với nhau, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các hiệp hội, ngành hàng.

Xem thêm:

>> Khơi dậy niềm tin khởi nghiệp: Bài 2: Để khởi nghiệp không là phong trào mang tính hình thức

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục