Khơi dậy niềm tin khởi nghiệp - Bài 2

06:47' - 19/08/2016
BNEWS Để phong trào khởi nghiệp không chỉ là trào lưu mang tính hình thức thì cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực.
Để khởi nghiệp không là phong trào mang tính hình thức. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Bài 2: Để khởi nghiệp không là phong trào mang tính hình thức

Những động thái gần đây của Chính phủ đã tạo nên sự hào hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, muốn có cộng đồng khởi nghiệp nhanh và bền vững và trở thành phong trào rộng khắp toàn xã hội thì cần hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để hướng tới một quốc gia khởi nghiệp.

Ở vai trò của mình, Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh tốt và có sự hỗ trợ đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thắng thành viên sáng lập của Cộng đồng khởi nghiệp Việt (Vstartup) cho rằng, để phong trào khởi nghiệp không chỉ là trào lưu mang tính hình thức thì cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực.

“Chúng tôi không chỉ cần đến những cơ chế chính sách thông thoáng và ưu đãi của nhà nước, mà còn cần đến sự giúp đỡ chia sẻ kết nối của cộng đồng, các quỹ đầu tư, chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều thủ tục cần phải được thay đổi để tạo thuận lợi nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng startup nói riêng.

Đặc biệt, những sự vụ cụ thể gần đây như vụ quán cà phê Xin chào, hay việc Điều 292 Bộ Luật hình sự gây cản trở cho cộng đồng startup… đang là nỗi lo ngại cho cộng đồng khởi nghiệp.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng Điều 292 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông có thể là những quy định làm vô hiệu hóa những chủ trương, chính sách trên của Chính phủ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần thiết sửa đổi lại Điều 292 Bộ Luật Hình sự bởi thực tế, điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các startup. Điều 292 tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay, bởi điều luật này đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính.

Đáng mừng là các ngành chức năng đang họp bàn sửa Điều 292 Bộ Luật Hình sự hay đích thân Thủ tướng cũng đã những chỉ đạo xử lý với những vụ việc như quán phở “Xin chào” thể hiện sự sát cạnh cùng cộng đồng kinh doanh.

Cũng phải thấy rằng, ngoài những vướng mắc về môi trường kinh doanh, “cuộc đua” khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nguồn vốn được khơi thông, các “nút thắt” về chính sách hỗ trợ được tháo gỡ.

 Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các startup chính là huy động vốn cho giai đoạn ươm mầm cũng như tăng tốc. Đây là điểm yếu của Việt Nam, khi chưa có thể chế về các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, vốn mồi…

Cần tiếp tục giảm các rào cản từ môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Doanh nhân Vương Công Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty May Thiên Bằng, Hà Nội, người vừa được nhận danh hiệu 100 doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất, chia sẻ, yếu tố vốn là một trong những thành tố quan trọng trong khởi nghiệp. Hiện không riêng doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn mà bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn nhiều điểm vướng, nhất là khung pháp lý, khi từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các nhà hoạt động chứng khoán, quỹ đầu tư thường chỉ dành sự quan tâm cho các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn.

Theo bà Thuỷ, các ngân hàng cũng có quỹ đầu tư, nhưng họ tập trung cho những startup có quy mô, còn các startup nhỏ thì rất ít. Chính sách thuế dành cho startup hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng những hạn chế này sẽ được xem xét và khắc phục trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm đầu mối soạn thảo.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trong khi đó, ở quan điểm khác TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vốn luôn quan trọng nhưng không phải vấn đề chính. Đối với khởi nghiệp, quan trọng nhất vẫn là ý tưởng kinh doanh.

Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực, vượt qua những rào cản ban đầu, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần sáng tạo để có thể thành công trên con đường kinh doanh của mình.

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, cộng đồng khởi nghiệp hiện nay có rất nhiều bạn trẻ và có những ý tưởng rất táo bạo. Bên cạnh sự táo báo, các bạn cần thực tế hơn, cần đánh giá xem mình có gì để khởi nghiệp và kiên trì, theo đuổi sự nghiệp của mình. Và vấn đề quan trọng hơn là các bạn trẻ cần dựa vào tự bản thân mình hơn là luôn ngóng chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài.

“Người ta nói nhiều về vườn ươm, về quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng gần đây người ta còn nói nhiều hơn nữa về sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau, kết nối với các nhà đầu tư. Các bạn trẻ cần liên kết với nhau, phải làm sao để tiếp cận được các nhà đầu tư, những người hỗ trợ hoặc hợp tác được với mình trong quá  trình khởi nghiệp. Đó là con đường để dẫn tới khởi nghiệp thành công”, TS. Hằng nhấn mạnh.

Rõ ràng, phong trào khởi nghiệp đang thực sự phát triển ở Việt Nam. Con đường khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là hết sức khốc liệt, nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu không dấn thân, mạnh dạn dám đối mặt với thách thức thì không thể khởi nghiệp thành công.

Chính phủ đã nhận thức và nỗ lực vào cuộc bởi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và rộng hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua khởi nghiệp chúng ta mới nhanh chóng có được một thế hệ doanh nhân mới, hình thành làn sóng đầu tư mới.

Với nỗ lực của Nhà nước và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cộng đồng khởi nghiệp, có thể kỳ vọng có được 1 triệu doanh nghiệp vững vàng làm chủ thị trường trong nước và mạnh dạn vươn ra biển lớn trong 5 năm tới./.

Xem thêm:

>> Khơi dậy niềm tin khởi nghiệp: Bài 1 - Xuyên suốt mục tiêu khởi nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục