Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội: Vướng do đâu?

21:26' - 08/05/2017
BNEWS Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ bảo hiểm xã hội.

 Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào. Nguyên nhân được chỉ ra là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong các Luật, Bộ luật: Lao động; Bảo hiểm xã hội, Công đoàn và Tố tụng dân sự.

Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn và kéo dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội và khởi kiện gặp khó đã gây thêm tâm lý lo ngại, hoang mang cho người lao động và việc xử lý các khoản nợ vẫn chưa có phương án thỏa đáng.

Để có giải pháp cho vấn đề này, chiều 8/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

* Nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra phổ biến

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Thời gian qua, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn đang khá phổ biến.

Số liệu Tổng cục Thuế cung cấp cho thấy, có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, mới có 235 nghìn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, đạt khoảng 47%.

Tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Ánh cho rằng tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội tương đối phức tạp, số nợ hàng năm có giảm, số nợ trước khi chuyển sang cơ quan công đoàn khởi kiện giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng.

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, khối cơ quan, nhưng chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) 28,7 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) 20,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng...

Đáng lo ngại nhất hiện nay là có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, ảnh hưởng đến quyền lợi trên 193.600 lao động. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm.

Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng lên, tính cấp bách ngày càng phức tạp hơn.

Ông Lợi đề nghị phải tăng cường các giải pháp thu nợ, bởi đây là nguồn thu cho quỹ bảo hiểm xã hội, đảm bảo cân bằng quỹ trong tương lai.

Nếu thu được nguồn này vào quỹ bảo hiểm xã hội tập trung, không chỉ bảo toàn được quỹ mà còn mang đầu tư để quỹ tăng trưởng tốt hơn.

* Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ

Một trong những công cụ để thu nợ hiện nay là khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuyển cho các cấp công đoàn 1.177 hồ sơ. Các Liên đoàn Lao động ở các địa phương đã tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ.

Đến giữa tháng 2/2017, đã có 11 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố khởi kiện 77 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Trong số 77 vụ, Tòa án các cấp đã trả lại hồ sơ không thụ lý 17 vụ, với lý do không thuộc thẩm quyền của Tòa, đây là tranh chấp lao động tập thể, chưa được giải quyết ở cấp UBND quận, huyện và không có giấy ủy quyền của tập thể người lao động ủy quyền cho tổ chức công đoàn.

Một trong những nguyên nhân cơ bản được ông Chính đưa ra là quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao cho rằng hành vi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, chỉ có con đường xử phạt hành chính theo Luật xử phạt hành chính.

Như vậy trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau khi có quyết định thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc cơ quan thanh tra lao động, doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ thì sẽ có biện pháp mạnh hơn để xử lý hành chính.

Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ỳ mới khởi tố theo Bộ luật Hình sự. Từ quan điểm trên, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các cấp Tòa không tiến hành thụ lý các hồ sơ khởi kiện do công đoàn thực hiện.

Trước tình hình trên, ông Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận, đây là sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật. Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội giao công đoàn được quyền khởi kiện các vụ án về bảo hiểm xã hội thì trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng phải quy định việc đó được khởi kiện ở Tòa án mới đồng bộ.

Vì pháp luật không đồng bộ nên dẫn đến tình trạng pháp luật có quy định nhưng không thực thi được, phải xử lý bằng các biện pháp khác.

Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện bảo hiểm xã hội được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc. Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016, trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự đến ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực.

Tiếp đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến.

“Đây là vấn đề phải xem xét khi ban hành hệ thống pháp luật để đảm bảo sự đồng bộ”, ông Lợi nói. Theo ông, chức năng thanh tra đã được giao cho Bảo hiểm xã hội thì cơ quan này phải tận dụng công cụ để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt theo quy định.

Sắp tới, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự. Điều 264 và Điều 265 sẽ cho phép xử lý hình sự các tội chiếm dụng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, hiệu quả sẽ cao hơn.

Chung quan điểm, ông Đào Việt Ánh cho rằng hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất nên thời gian qua, việc khởi kiện chưa đạt kết quả như mong muốn.

Thực tế, khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện việc khởi kiện, số vụ cơ quan này khởi kiện là 8.840 vụ, tương ứng với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỷ đồng.

Tổng số vụ Tòa án đã xét xử 3.986 vụ, tương ứng số tiền thu về quỹ bảo hiểm xã hội gần 980 tỷ đồng, chiếm 16,3% trên số nợ khởi kiện; người lao động được hưởng nhiều quyền lợi từ việc khởi kiện này. Ông Ánh mong muốn hình thức khởi kiện tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Bùi Sỹ Lợi và ông Mai Đức Chính cho rằng để tháo gỡ vướng mắc, phải đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội, nói rõ công đoàn cấp nào được quyền đứng ra khởi kiện./.

>>> 144 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi kiện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục