Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Bài cuối – Phát triển theo vùng, ngành

08:34' - 17/11/2017
BNEWS Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trọng tâm của liên kết vùng, bởi các vùng hội tụ đầy đủ các điều kiện, lợi thế cạnh tranh riêng để phát triển.

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg (Đề án 844) của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì thành lập Ban chỉ đạo với thành phần là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các hội ngành trung ương… chính sự đầy đủ các thành phần đã từng bước đưa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực.
Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo vùng, ngành
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 844, với trách nhiệm và nhiệm vụ được phân công đã chủ động triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, lĩnh vực của mình. Theo đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.

Nhiều bộ, ngành, địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh… đã thông qua chương trình kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo địa phương, ngành và lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, cùng với các chính sách, cơ chế thuận lợi, các cơ quan liên quan sẽ thúc đẩy nhanh việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Triển khai Đề án 844, các sự kiện liên kết vùng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức tại các vùng kinh tế trọng điểm: Vùng Trung du miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc trung bộ, Vùng Duyên hải miền trung, Vùng Tây nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy thế mạnh từng vùng, lợi thế địa phương.

Gần đây, tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ 14, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trọng tâm của liên kết vùng, bởi các vùng hội tụ đầy đủ các điều kiện, lợi thế cạnh tranh riêng để phát triển.

Đặc biệt, một số vùng tập trung được số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu… là môi trường có thể đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và trở thành nơi sáng tạo từ nghiên cứu, triển khai và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Một đội thi tại vòng chung kết cuộc thi ‘‘Từ sáng chế đến khởi nghiệp’’ được tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: Cao Phương-TTXVN

Ông Mei Dardashti, Vườn ươm Ideality Roads (Israel) đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thời gian qua cũng như những kế hoạch hành động phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo vùng, ngành.

Đồng thời, cho rằng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không phải quá trình ngẫu nhiên mà cần có sự tham gia của Chính phủ và Chính phủ Israel đã tham gia ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu - Thời điểm được coi là rủi ro cao, doanh nghiệp dễ thất bại và rất khó để kêu gọi đầu tư, vì vậy, Israel đã thành công với nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup)…

Việc đầu tư cho doanh nghiệp cũng được Israel chia theo chiến thuật và mục tiêu theo từng giai đoạn để đầu tư. Cũng theo ông Mei Dardashti, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đầu xây dựng, hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần học tập, tham khảo kinh nghiệm các nước để đảm bảo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.
Tập trung cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng trong lĩnh vực ưu tiên
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định: Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, cạnh tranh toàn cầu khốc liệt cộng thêm tác động của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng như: Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm…

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không đầu tư dàn trải, không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào mà tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng của vùng, miền, quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không ngẫu nhiên mà có, mà cần sự định hướng, tham gia của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam sẽ đồng hành và hết sức quan tâm đầu tư cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2017) diễn ra ngày 14/11, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tập trung vào 6 lĩnh vực tiềm năng là: Cộng đồng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; nông nghiệp; giáo dục; du lịch và dịch vụ ẩm thực; y tế và công nghệ mới.

Đây là những lĩnh vực có nhiều doanh nghệp khởi nghiệp tiềm năng, được các nhà đầu tư quan tâm và cũng là những lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên phát triển để phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, Dự án Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI) do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Australia hỗ trợ sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ của khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi của ASEAN, tập trung vào Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đưa giải pháp công nghệ vào giải quyết những thách thức trong ngành nông nghiệp, dịch vụ ngân hàng… và là cách tiếp cận mới trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, với mục tiêu góp phần chuyển đổi ngành nông nghiệp vùng Mê Kông./.

>> Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Bài 2 – Cần sự kết nối, nâng cao chất lượng doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục