Khởi sắc làng rèn Lý Nhân

06:03' - 20/08/2017
BNEWS Từ một làng nghề hoạt động thủ công, sản phầm làm ra tự cung, tự tiêu, làng nghề rèn Lý Nhân, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc phát huy các nguồn lực vươn lên đứng vững trên thị trường.
 Anh Nguyễn Văn Hùng là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo đuổi nghề rèn. Mỗi ngày đứng máy, anh Hùng có thể làm được 200 - 250 chiếc phôi cuốc. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu rèn thủ công Lý Nhân không chỉ được người địa phương tin dùng mà còn được tiêu thụ trên toàn quốc và được xuất sang Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đường vào xã Lý Nhân nay không còn gập ghềnh, chật chội như trước mà được trải bê tông đến từng nhà, xóm. Đến đầu xã, cả làng rèn như một “đại công xưởng” cơ khí khổng lồ, đang hối hả, tất bật với tiếng búa, tiếng đe, tiếng cưa cắt, quạt máy từ những bếp lò hồng rực.
Với người ở Lý Nhân, không ai nhớ rõ khởi thủy của nghề rèn, chỉ biết rằng theo các bậc cao niên nơi đây, nghề rèn đã có từ hàng trăm năm nay. Trẻ con ở Lý Nhân sinh ra đã quen mắt, quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng.
Ông Nguyễn Ngọc Vụ, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết: Nghề rèn ở xã Lý Nhân được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt tiêu chuẩn Làng nghề truyền thống năm 2006. Hiện cả xã có trên 1.300 lao động tham gia nghề rèn. Mức thu nhập trung bình của một thợ rèn từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, riêng thợ lành nghề, có kinh nghiệm, thợ đứng máy có thể từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Vụ, dù nghề rèn ngày một phát triển và có thu nhập ổn định nhưng hiện việc tìm lao động tại chỗ trong làng không dễ vì đa phần sau một vài năm làm thợ, những người có kinh nghiệm đều tách ra làm riêng, ai cũng muốn “hút” lao động giỏi về. Do đó, chẳng phải đi đâu xa, với phương thức truyền nghề “cầm tay chỉ việc”, chỉ cần chăm chỉ, người dân Lý Nhân đã có cuộc sống sung túc hơn rất nhiều làng quê khác.

Công đoạn nung sắt ở làng rèn Lý Nhân phần lớn do lao động nữ thực hiện. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Đã có một thời, các làng nghề rèn ở Lý Nhân chao đảo, tưởng như không còn đứng nổi. Các lò rèn hoạt động cầm chừng, sản phẩm không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do người tiêu dùng bị ngợp trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, có mẫu mã đẹp, màu trắng sáng, giá rẻ hơn.
Nhưng rồi người tiêu dùng lại trở lại với Lý Nhân bởi chất lượng sản phẩm, đẩy lùi đồ "hàng mã" ngoại nhập. Ngược lại, nhiều khu chợ bên kia biên giới xuất hiện hàng hóa của Lý Nhân. Bởi các loại dao Thái Lan, Trung Quốc hình thức bắt mắt nhưng dùng không sắc, chỉ một thời gian là cùn mòn, không mài được, phải bỏ đi. Trong khi đó, dao, kéo Lý Nhân dùng lâu có bị cùn nhưng chỉ cần mài sơ là dùng tốt.
Nắm bắt được xu thế, người làm rèn ở Lý Nhân nhanh chóng áp dụng khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá làng nghề để tăng tăng năng suất và giảm nhọc nhằn cho người lao động. Các hộ tự trang bị máy mài (máy rèn), máy cán thép, máy cắt gọt kim loại, máy búa có khả năng thay thế 100 - 200 sức người, đưa sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, dần dần tạo dựng thương hiệu của một làng rèn có hàng nghìn năm khởi nghiệp.
Hiện cơ sở vật chất làng nghề ngày càng được mở rộng với 150 máy búa, 4 máy cán, 71 máy dập phôi và hàng nghìn búa máy khác phục vụ nghề rèn.
Có máy móc hiện đại, nhiều hộ gia đình ở Lý Nhân thành lập các xưởng sản xuất, hợp tác xã để mở rộng sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ. Thị trường được mở rộng, các cơ sở sản xuất ngày càng ăn nên làm ra. Thu nhập bình quân của các xưởng rèn ổn định ở mức vài trăm triệu đồng một năm. Với những xưởng đầu tư búa máy, máy cán, máy đập, đông công nhân làm việc, có thu vài tỷ đồng một năm là không hiếm.
Theo thống kê, mỗi người thợ rèn lành nghề ở Lý nhân, mỗi tháng có thể làm ra hơn 2.000 sản phẩm dao, cuốc, xẻng. Tổng thu nhập bình quân của làng nghề luôn đạt trên 100 tỷ đồng. Sản phẩm mang thương hiệu rèn Bàn Mạch giờ đây không chỉ tiêu thụ rộng lớn khắp các tỉnh, thành trong nước mà đã vươn xa để xuất sang Lào, Campuchia, Trung Quốc...
Ông Nguyễn Hữu Đoan, nghệ nhân 75 tuổi cho biết: Để có một con dao tốt phải bắt đầu từ giai đoạn tôi. Sắt khối phải vừa tuổi lửa, non quá dễ bị quăn lưỡi, già quá sẽ bị mẻ hoặc rạn. Lý Nhân có phương pháp bổ thép với nước tôi không vùng nào có được. Miếng sắt nung vừa chín tới được bổ đôi để nhồi lưỡi thép vào giữa theo một tỷ lệ phù hợp với trọng lượng sắt.

Mài cũng giữ một vai trò quan trọng. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa. Đấy chính là lí do vì sao những người vùng khác đến học nghề không thể "lấy" được bí kíp của người thợ Bàn Mạch.
Mặt hàng mà Lý Nhân sản xuất chủ yếu là các nông cụ như liềm, hái, dao, rìu, rựa, dao quắm phát nương cho đồng bào dân tộc....
Ông Nguyễn Hữu Đoan khẳng định: "Sản phẩm của Lý Nhân có chỗ đứng trong thị trường không phải bởi sự lâu năm của lịch sử làng nghề, mà là chất lượng của nó, chừng nào nghề nông còn tồn tại thì chừng đó còn cần đến sản phẩm của chúng tôi”.
Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển làng nghề truyền thống, xã Lý Nhân đã tạo cơ chế cho các hộ vay vốn, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; đồng thời, tập trung phát triển khu làng nghề rèn với diện tích hơn 3ha cho hàng chục hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất và đầu tư máy mọc thiết bị.
Từ một làng nghề truyền thống nhỏ hẹp, rèn Lý Nhân đã phát triển mạnh bằng sự khẳng định chất lượng và lòng tin của người tiêu dùng. Giờ đây, rèn Lý Nhân không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống của các miền quê Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục