Không chủ quan trong điều hành chính sách

09:38' - 04/01/2016
BNEWS Ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp, việc điều hành giá cả cũng như lãi suất và tỷ giá vẫn cần phải xem xét một cách thận trọng, hợp lý trong dư địa cho phép của lạm phát.
TS. Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NCEIF.

Giai đoạn 2011-2015, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do những vấn đề nội tại của nền kinh tế và chịu tác động không nhỏ của sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy giai đoạn này chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và thấp hơn so với các giai đoạn trước.

Cải cách trong nước chưa hiệu quả

Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 cũng không đủ để kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2011- 2015. Tăng trưởng bình quân toàn giai đoạn ước đạt dưới 6% thấp hơn nhiều so với mức 6,32% của giai đoạn 2006-2010; đồng thời, cũng không đạt được kế hoạch tăng trưởng 6,5-6,7% như mục tiêu kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 không đạt được như mục tiêu kế hoạch đề ra ngoài tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu song nguyên nhân chủ yếu là do những cải cách trong nước chưa mang lại hiệu quả, quá trình tái cơ cấu kinh tế chưa mang lại những chuyển biến về chất, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại làm tăng nguy cơ tụt hậu của kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực. Trong giai đoạn 2011-2013, khu vực dịch vụ với mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực, bình quân 6,7%/năm, đã giữ vai trò là động lực cho tăng trưởng chung. Trong khi đó, khu vực công nghiệp xây dựng gặp phải nhiều khó khăn và sụt giảm tăng trưởng trong 2 năm đầu.

Khu vực nông, lâm thủy sản cũng chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng liên tiếp trong năm 2011-2013, từ mức 4,02% năm 2011 xuống 2,64% năm 2013, sau đó cải thiện nhẹ trong năm 2014 nhưng quay lại xu hướng sụt giảm trong năm 2015. Ước tính cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng của khu vực nông lâm thủy sản chỉ đạt khoảng 3,01%, thấp hơn mức 3,53% của giai đoạn 2006-2010.

Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu đầu tư công còn chậm và hiệu quả chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2006-2010 là 36,4%.

Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 cũng không đủ để kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2011- 2015. Ảnh: Đinh Huệ/TTXVN.

Trong cơ cấu vốn khu vực Nhà nước, từ vốn ngân sách Nhà nước tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất; đồng thời, vốn tín dụng Nhà nước cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Giai đoạn 2011-2015, kinh tế Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP đang giảm dần trong khi mức chi ngân sách không giảm đã dẫn đến những khó khăn về cân đối ngân sách.

Bên cạnh đó, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước vẫn tăng nhanh. Nợ công tiếp tục tăng nhanh, cơ cấu nợ không thật sự bền vững; áp lực huy động vốn tăng lớn; trong khi đó, vẫn còn tình trạng sử dụng vốn vay dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp… Hơn nữa, cơ chế huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển (hợp tác công – tư – PPP) còn bất cập…

Thận trọng hơn trong điều hành chính sách

Trước những khó khăn, tồn tại của nền kinh tế, Chính phủ đã đề ra mục tiêu điều hành nền kinh tế trong 5 năm tới với mức tăng trưởng GDP từ 6,5-7%; kiểm soát lạm phát trong khoảng 5-7%. Bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP (bình quân giai đoạn là 4,9%).

Đây là mục tiêu khá lạc quan. Với cam kết trong kế hoạch 2016-2020, có thể nhận thấy Chính phủ sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách, từ đó, tạo ra tăng trưởng thực sự bền vững và ổn định hơn.

Ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp, việc điều hành giá cả cũng như lãi suất và tỷ giá vẫn cần phải xem xét một cách thận trọng. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020, các chính sách ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được tiếp tục duy trì, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ ổn định giá cả. Ngay cả khi lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, việc điều hành giá cả các mặt hàng mà Nhà nước quản lý cũng như lãi suất và tỷ giá vẫn cần phải xem xét một cách thận trọng, hợp lý trong dư địa cho phép của lạm phát.

Bên cạnh đó, thực hiện công khai minh bạch tài chính quốc gia để tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ và xã hội trong giai đoạn tới cần đặc biệt chú ý; đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các chính sách đã ban hành, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan Nhà nước, các cấp có thẩm quyền trong quyết định, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư Nhà nước; xác định các dự án, khu vực kinh tế trọng điểm để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, cần khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư tư nhân; thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động bằng chính sách lãi suất hợp lý và những ưu đãi về tài chính, đất đai… có chính sách huy động tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư vào các dự án công nghệ cao.

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định trong dài hạn thì nhất thiết phải đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế; đặc biệt là tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và thị trường tài chính, nâng cao năng suất chung của toàn nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục