Không có nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án metro số 1

10:35' - 15/12/2015
BNEWS Ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hiện tại, tuyến metro số 1 chưa thấy nhà thầu chính Nhật Bản thuê nhà thầu phụ Trung Quốc thi công.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 nhà ga (trong đó có 3 ga ngầm). Tổng mức đầu tư là 236.626 triệu Yên, tương đương 54.006 tỷ đồng, dự kiến vận hành khai thác từ năm 2020.

Dự án có 5 gói thầu chính bao gồm 3 gói đang triển khai thực hiện theo hợp đồng tổng thầu EPC (2 gói xây lắp và 1 gói mua sắm thiết bị), 2 gói xây lắp chẩn bị tổ chức đấu thầu.
Cụ thể, gói thầu 1a - xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga nhà hát thành phố, (bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn ngầm metro dài 515m) đã phát hành hồ sơ mời thầu từ tháng 8/2015, dự kiến mở thầu sau Tết Nguyên Đán 2016. Nếu có nhà thầu tham gia, xét thầu thành công thì cũng phải đến quý IV/2016 mới thi công (thời gian 48 tháng).

Công trường xây dựng ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: TTXVN.

Gói thầu 1b - xây dựng đoạn ngầm từ ga nhà hát thành phố đến ga Ba Son (bao gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315m) đã ký và triển khai hợp đồng với nhà thầu Liên danh Shimizu – Maeda từ tháng 8/2014 với khối lượng thực hiện tổng thể đạt 9%.
Tại gói thầu số 2 - xây dựng đoạn trên cao và depot dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương, nhà thầu đã thi công cơ bản xong kết cấu phần dưới (85%) và đang thi công phần thượng của phân đoạn cầu cạn, cầu đặc biệt (17 phân đoạn cầu cạn, 5 cầu đặc biệt) và 11 nhà ga, đã lao lắp được 30 nhịp dầm. Khối lượng tổng thể đạt 45%.

Trụ móng trên cao của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên chạy dọc Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN.

Gói thầu số 3 - mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật và sẽ triển khai chế tạo từ quý I/2016. Trong khi đó, gói thầu số 4 – hệ thống công nghệ thông tin cho tòa nhà vận hành dự kiến sẽ triển khai từ năm 2016.
Về vấn đề nộp phạt do dự án chậm tiến độ, ông Hoàng Như Cương cho biết: "Số tiền 2,5 tỷ đồng/ngày mà phía nhà thầu đòi bồi thường là đã bao gồm chi phí quản lý nhà thầu và tư vấn.

Việc giải phóng mặt bằng được giao cho quận, huyện nơi dự án đi qua chứ không giao cho chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh) thực hiện. Vì thế tiến độ chung của dự án phụ thuộc vào công tác bàn giao mặt bằng của các quận, huyện Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Việc chậm bàn giao đó đã khiến một số vị trí thi công không thực hiện được, chứ không phải toàn bộ công trình bị tắc.

Tại một số vị trí không thực hiện được sẽ phát sinh chi phí về nhân công nghỉ việc, bảo dưỡng máy móc. Chủ đầu tư đang xem xét yêu cầu bồi thường của nhà thầu có hợp lý hay không, hợp lý ở từng điểm nào. Trong quá trình thực hiện dự án, phát sinh chi phí là điều khó tránh khỏi"./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục