Không để bị động trong quản lý giá

16:22' - 18/07/2018
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban điều hành giá nhấn mạnh Bộ Tài chính cần chủ động hơn nữa, không bị động nhất là mặt hàng mà Nhà nước quản lý.
Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Hội nghị hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính- ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2018  của Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/7.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan tài chính các địa phương cũng phải có trách nhiệm tham mưu cho Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh các mặt hành giá dịch vụ, nhất là y tế và giáo dục, vật tư thiết bị của ngành giáo dục. Đây là thẩm quyền của địa phương nhưng phải có bàn tay can thiệp của Trung ương.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng thiết yếu nhất là trong đợt thiên tai và lũ lụt. Bộ Tài chính phải phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới mức 3,7-3,9% so với năm trước.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo và kịch bản điều hành giá do Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong hai tháng gần đây, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới, giá gạo tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; giá thịt lợn có xu hướng hồi phục và hiện đang ở mức cao; giá gas liên tục tăng trong 2 tháng gần đây theo diễn biến giá thế giới.
Trước diễn biến của giá gạo, giá thịt lợn hơi tăng, Bộ Tài chính chủ động nắm bắt tình hình giá cả thị trường, nhằm kịp thời có những dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá. Qua đó đã đề xuất cụ thể các biện pháp bình ổn thị trường phù hợp với Ban Chỉ đạo điều hành giá và Chính phủ.
Đối với giá xăng dầu, nhằm hạn chế mức độ tăng giá các mặt hàng này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các đợt điều hành trong 6 tháng đầu năm với mức chi sử dụng từ 31 đồng/lít,kg đến 1.425 đồng/lít, kg tùy mặt hàng.
Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế rà soát mức giá của các dịch vụ khám chữa bệnh được quy định tại Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC.
Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/7/2018, điều chỉnh giảm giá của 70 dịch vụ. Dự kiến mức giảm sẽ tác động làm giảm CPI tháng 7 khoảng 0,35%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiên Dũng nhận định, công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần tích cực thực hiện kiểm soát lạm phát. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, tạo niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Theo Cục Quản lý giá, diễn biến chỉ số giá 6 tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn các dấu hiệu tăng cao, do đó, việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần được thực hiện một cách thận trọng, chủ động. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương trong thực hiện chủ trương của Chính phủ đối với kiểm soát lạm phát, nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
Đồng thời, cơ quan quản lý giá sẽ kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.
Trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Đối với một số mặt hàng nông sản đang tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đưa ra các dự báo, tính toán kịch bản điều hành giá cho từng giai đoạn để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường phù hợp.
Liên quan đến các loại thuế trực thu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Tài chính cần nghiên cứu các luật thuế, nhất là Thuế Tài sản cần phải tiếp tục được nghiên cứu, sao cho phù hợp với thực tế của Việt Nam. Cùng với đó, một loạt các luật thuế khác cũng phải được thực hiện trên tinh thần đúng bản chất của các sắc thuế. Ví dụ như phải làm rõ thế nào là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân trên tinh thần là phải nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng đảm bảo khoan sức dân.
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 30,2 nghìn doanh nghiệp, đạt 33,8% kế hoạch, kiểm tra 224,8 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách Nhà nước trên 5,7 nghìn tỷ đồng, chống chuyển giá, giảm lỗ trên 9 nghìn tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện 4,4 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, kiến nghị thu vào ngân sách Nhà nước 1,48 nghìn tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 22 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 15 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính 1.910 tỷ đồng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục