Không khả thi mô hình “siêu Ủy ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

17:45' - 22/07/2016
BNEWS Quản lý hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút mối quan tâm đặc biệt, nhất là khi tiến trình cổ phần hóa diễn ra một cách mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến chưa thống nhất xoay quanh mô hình “siêu Ủy ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến chưa thống nhất về cách lựa chọn mô hình. Bên lề Kỳ hợp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến Đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này.

Ông Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Không nên tập trung cả quyền lực hành chính lẫn quản lý vốn vào trong một cơ quan

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước. Bởi vậy, việc thành lập cơ quan này để thay thế cho vai trò chủ quản của Bộ chuyên ngành hiện nay là chủ trương phù hợp, đúng đắn cần phải triển khai trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, ông Lộc khẳng định không nhất trí với việc thành lập Ủy ban hay Bộ quản lý nhà nước về vấn đề này. Dù Ủy ban hay Bộ thì vẫn là cơ quan quản lý hành chính. Mà đã quản lý hành chính đi quản lý vốn là không phù hợp. Cơ quan này nên được tổ chức theo hình thức Tập đoàn chứ không nên là mô hình Bộ hay Ủy ban của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hộiVũ Tiến Lộc (Tỉnh Thái Bình). Ảnh: Thạch Huê/TTXVN

Về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất nên thành lập từ 2-3 Tập đoàn Tài chính nhà nước. Tập đoàn này sẽ tập hợp toàn bộ vốn của các doanh nghiệp Nhà nước lại và thực hiện chức năng quản lý nguồn vốn đó.

Tập đoàn hoạt động như một Công ty tài chính đầu tư vào các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hay đang có vốn góp của nhà nước. Việc thành lập các mô hình Tập đoàn quản lý vốn nhà nước kiểu này vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì phải được đảm bảo tính tự chủ, khả năng cạnh tranh. Công ty quản lý vốn hoạt động với tư cách của nhà đầu tư chứ không phải tư cách cơ quan chủ quản, càng không phải tư cách của cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vậy, sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Đã là Công ty đầu tư tài chính thì chỉ chịu trách nhiệm nguồn vốn đầu tư của công ty vào doanh nghiệp đó chứ không phải là cơ quan cấp trên, có quyền can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của các doanh nghiệp.

Hiện nay một số nước như Singapore đã có mô hình này và đang hoạt động rất hiệu quả. Tập đoàn tài chính quản lý vốn, quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về hiệu quả thì rất tốt. Nếu thành lập được từ 2-3 Tập đoàn thì càng tốt, nó sẽ vừa sức với khả năng quản lý.

Hiện quy mô nguồn vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp vẫn rất lớn nên nếu chỉ để 1 cơ quan đứng ra làm thì sợ không đảm bảo chất lượng. Việc có 2-3 Tập đoàn sẽ tạo không khí thi đua cạnh tranh, các đơn vị có thể học hỏi lần nhau, giúp tìm ra mô hình tốt hơn.

Sau này, khi rút bớt vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, quy mô thu hẹp hơn thì có thể nhập lại thành 1 nhưng trước mắt nên để 3 đơn vị và hoạt động độc lập. Mô hình Tập đoàn không nên trực thuộc Bộ Tài chính mà do Chính phủ trực tiếp quản lý, nhưng Bộ Tài chính có thể giúp tham mưu cho Chính phủ về chính sách và quản lý theo dõi Tập đoàn này.

Cho dù hoạt động dưới mô hình nào thì cũng phải tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, hàng năm phải báo cáo với Quốc hội vì đang giữ một lượng tài sản khổng lồ của Quốc gia và chịu trách nhiệm về hiệu quả.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh): Mô hình “siêu Ủy ban” là không khả thi

Với đại biểu Trần Hoàng Ngân, mô hình “siêu Ủy ban” là không khả thi. Nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nên giao cho nhiều cơ quan, mà nên tập trung giao cho cơ quan đang quản lý tài sản vốn nhà nước, đó là Bộ Tài chính. Mô hình này nên học tập như Singapore ; còn mô hình “siêu bộ” giống như của Trung Quốc đang thất bại.

Đại biểu này lại cho rằng nên mạnh dạn giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản trị vốn, còn việc kinh doanh là của các doanh nghiệp. Các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải… chỉ tham gia điều hành quản lý nhà nước chứ không tham gia là đơn vị chủ quản của các doanh nghiệp. Như vậy mới đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Ông Ngân phân tích: “Ở đây, mình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chứ không tham gia vào hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ giám sát nguồn vốn tại doanh nghiệp và cũng tham gia quản lý ngành, giống như một cổ đông, thay mặt nhân dân quản lý nguồn vốn của nhà nước.

Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về quản lý vốn nhà nước, cân đối ngân sách. Nếu doanh nghiệp không mang lại lợi tức từ nguồn vốn đó thì Bộ Tài chính sẽ thoái vốn tại doanh nghiệp đó, thậm chí thay đổi luôn cả người đứng đầu doanh nghiệp đó. Như vậy, đánh giá dựa vào tiêu chí tài chính, về hiệu quả kinh doanh là rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Mặt khác, mô hình này giao về cho Bộ Tài chính quản lý cũng nhằm thống nhất luôn tất cả các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, thuận lợi trong việc quản lý vốn.

Trong nhiệm vụ phân bổ thu chi ngân sách nhà nước, nếu doanh nghiệp đặt ở địa phương thì khi bàn về phân bổ vốn tại địa phương, Bộ Tài chính cũng nắm luôn tình hình tài chính đó để tính toán và phân bổ cho hợp lý.

Đồng quan điểm không tán thành mô hình “siêu Ủy ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân lại ủng hộ Cục quản lý vốn nhà nước thuộc Bộ Tài chính đảm nhận vai trò này chứ không nên thành lập thêm bộ máy quản lý mới; nếu cần thì nâng cấp thành Tổng cục.

Cùng đó, vai trò của SCIC được nâng tầm lên nữa, sẽ trực thuộc Tổng cục. Đơn vị này cũng không tham gia vào sản xuất kinh doanh mà chỉ giám sát nguồn vốn như cổ đông. Khi quy về một mối thì Ủy ban Tài chính quốc gia giám sát sẽ rất thuận lợi.

Quan trọng là hiện nay, chúng ta cần định giá, thẩm định lại toàn bộ các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, giải quyết hết nợ nần tại các đơn vị này; đóng cửa, giải thể nếu cần thiết và làm minh bạch nguồn vốn còn lại. Từ đó, xác định được mục tiêu hiệu quả rõ ràng, cả lợi nhuận, lợi tức…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục