Không vì tăng trưởng mà hy sinh môi trường sống

07:31' - 17/06/2017
BNEWS Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, tiêu chí quan trọng của sự phát triển chính là môi trường sống cho người dân.

Trong quá trình phát triển kinh tế, bài toán luôn đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách vĩ mô là làm sao có thể vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, vừa bảo vệ cho môi trường sống tránh khỏi ô nhiễm bởi những tác động do các chất thải công nghiệp gây ra.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phát triển đã di dời, đặt các nhà máy sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, các lĩnh vực có nhiều chất thải độc hại như sắt thép, xi măng v.v...sang các nước kém hoặc đang phát triển.

Nhiều nước phát triển đã di dời, đặt các nhà máy sản xuất có nhiều chất thải độc hại như sắt thép, xi măng v.v... sang các nước kém hoặc đang phát triển. Ảnh minh họa: EPA

Lý do không phải là tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, mà còn quan trọng hơn, đó còn là bảo vệ cho môi trường trong nước.

Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa là các nước tiếp nhận những công việc nói trên sẽ đứng trước thách thức là làm sao vừa có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế, song không vì thế mà đánh đổi môi trường đang sống. Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, tiêu chí quan trọng của sự phát triển chính là môi trường sống cho người dân.

Bhutan, Singapore - hình mẫu về tăng trưởng bền vững!

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng môi trường ô nhiễm do rác và khí thải và nhiều quốc gia tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chấp nhận hy sinh môi trường sống, Bhutan nổi lên như một trong số các quốc gia coi trọng bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Singapore cũng được xem là một hình mẫu về tăng trưởng bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, xử lý tốt vấn đề rác thải.

Với vị trí địa lý giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Nepal, Vương quốc Bhutan được đánh giá là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất ở châu Á và đứng thứ tám thế giới với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng vẫn coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu.

Bhutan đã quyết tâm và cam kết duy trì ít nhất 60% diện tích có rừng che phủ. Hiện nay, khoảng 72% diện tích của Bhutan là rừng và hơn một phần ba nằm trong mạng lưới các khu bảo tồn. Theo sắc lệnh của Nhà vua, nếu đốn một cây xanh vì bất cứ mục đích gì, thì phải trồng bù ba cây mới.

Ông Thakur Singh Powdyel, Bộ trưởng Giáo dục Bhutan, từng phát biểu: “Phá rừng, phá biển để làm giàu thì quá dễ và Bhutan, tin rằng đó không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên, môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân, thì quốc gia đó mới được coi là phát triển”.

Túi nylon cũng bị cấm sử dụng ở quốc gia này, thay vào đó người Bhutan sử dụng túi làm bằng sợi bông để đựng hàng hóa. Nhờ đó năm 2006, Quốc vương Bhutan đã nhận được phần thưởng danh giá Paul Getty Conservation Leadership Award vì những thành công trong công việc bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ thiên nhiên.

Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ với nông dân. Vì thế, rau quả ở đây hầu hết là rau quả hữu cơ sạch 100%.

Điện sinh hoạt được tạo ra bằng thủy điện thông qua các turbin đặc biệt được đặt trực tiếp trên sông chứ không xây đập thủy điện như các quốc gia khác.

Với những ngôi làng xa xôi không có đường điện, chính phủ cung cấp tấm pin Mặt Trời. Những chính sách tích cực này giúp Bhutan có môi trường nguyên sơ và hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới.

Kể từ năm 1971, Bhutan đã dùng một chỉ số mới - GNH (Chỉ số hạnh phúc quốc dân) - theo đó đời sống tinh thần-thể chất, văn hóa-xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của quốc gia… được đưa lên ưu tiên số một.

Trong ba thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn sự phát triển kinh tế.

Dù Bhutan lạc hậu so với tiêu chuẩn thế giới hiện đại, nhưng những việc mà quốc gia nhỏ bé ẩn sâu trong dãy núi Himalaya này đã làm để giữ môi trường trong sạch mà bền vững rất đáng để nhiều nước phát triển học hỏi.

Chính sách hợp lý

Theo báo cáo của Đại học Liên hợp quốc (Nhật Bản), trong năm 2014, khoảng 46 triệu tấn rác điện tử được thải ra trên toàn thế giới.

Kinh nghiệm triển khai các chương trình tái chế rác thải điện tử tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác cho thấy, điểm phân phối sản phẩm sẽ là điểm thu gom rác thải tốt nhất. Các cửa hàng bán đồ điện tử đều có chỗ cho khách hàng mang đến bỏ sản phẩm hư hỏng.

Trách nhiệm xử lý khối rác thải điện tử là của các doanh nghiệp làm ra nó có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu những thiết bị này sẽ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi, thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ, xử lý để tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy...

Singapore là một hình mẫu về tăng trưởng bền vững. Ảnh minh họa: AFP

Ở cấp độ quốc gia, Singapore là một hình mẫu về tăng trưởng bền vững mà vẫn bảo vệ môi trường, xử lý tốt vấn đề rác thải, trong đó có rác thải điện tử gây nhiều nguy hại cho môi trường.

Để trở thành một đất nước xanh và sạch bậc nhất thế giới như hiện nay, Singapore đã có một chiến lược quản lý môi trường hợp lý, đồng thời chú trọng quản lý hạ tầng cơ sở đi đôi với việc ban hành luật và kiểm tra giáo dục nghiêm ngặt.

Từ năm 2001, Singapore đã triển khai chương trình xử lý rác thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế. Singapore đã xây dựng một bãi chôn rác ở đảo Semakau trên phần đất lấn biển. Quy trình chọn lọc và tái chế rác thải đã được giới thiệu và các trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm và các ngành đều tham gia chương trình tái chế này.

Chiến lược bảo vệ môi trường đô thị của Singapore gồm bốn khâu thành phần: phòng ngừa, cưỡng bách, kiểm soát và giáo dục.

Từ những năm 1970, Singapore đã tổ chức riêng Bộ Môi trường và Cục Phòng chống ô nhiễm nhằm thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và quản lý chất thải rắn. Tiếp đó, hai tổ chức này lại kiêm thêm trách nhiệm kiểm soát và xử lý các chất độc hại.

Tiếp theo là thực hiện tốt kế hoạch hóa sử dụng đất đai. Cục Tái phát triển đô thị thuộc Bộ Phát triển quốc gia là một cơ quan lập kế hoạch và kiểm soát phát triển ở Singapore.

Cơ quan này chịu trách nhiệm lập kế hoạch tổng thể để chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn và phát triển vật chất ở quốc đảo này. Đất đai sử dụng vào các mục đích khác nhau phải được bảo vệ nhằm thực hiện phát triển xã hội và kinh tế, đồng thời, duy trì một môi trường có chất lượng cao.

Kế đến là xử lý chất thải toàn diện. Hai vấn đề lớn được chú trọng và cũng là thành công lớn ở Singapore là quản lý hệ thống thoát nước và quản lý chất thải rắn.

Đó là việc cung cấp hệ thống thoát nước toàn diện để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất; tổ chức một hệ thống quản lý chất thải rắn rất có hiệu quả.

Singapore cũng xử lý rác bằng phương pháp đốt, giúp giảm lượng rác chôn lấp đồng thời có thể thu nhiệt để sản xuất điện năng.

Hiện nay, bốn nhà máy đốt rác để phát điện đáp ứng được gần 3% nhu cầu điện năng của nước này và tỷ lệ tái chế rác tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 60%.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Singapore, để làm phép so sánh thì Mỹ chôn lấp tới 53% lượng chất thải rắn vào năm 2013, tái chế được 34% lượng rác và chỉ biến được 13% lượng rác thành điện năng.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Singapore sẽ đưa nhà máy đốt rác sản xuất điện thứ năm vào hoạt động vào năm 2019.

Cơ quan này cũng đang lên kế hoạch xây dựng một khu liên hợp xử lý rác mới kết hợp mọi phương pháp xử lý rác để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và có thể khôi phục tối đa các nguồn tài nguyên từ rác.

Chung tay hành động

Năm 2017, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 5/6 được lựa chọn là "Sống hài hòa với thiên nhiên" nhằm kêu gọi, khuyến khích con người sống gần hơn với thiên nhiên, bảo vệ và gìn giữ những giá trị thiên nhiên mang lại cho con người hôm nay cũng như các thế hệ mai sau.

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử thế giới, môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người ở tất cả các quốc gia và trong mọi hoàn cảnh lịch sử song cùng với quá trình phát triển, con người ngày càng tác động tiêu cực tới môi trường dẫn tới những hệ lụy đáng báo động.

Vì vậy, Ngày Môi trường Thế giới được kỷ niệm vào ngày 5/6 hằng năm là cơ hội cho tất cả mọi người nhận rõ không chỉ là trách nhiệm bảo vệ Trái Đất mà còn trở thành tác nhân tạo nên sự thay đổi.

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1972, cộng đồng toàn cầu đã tổ chức hàng ngàn hoạt động, từ việc dọn dẹp khu phố, cho đến chống lại tội phạm săn bắt động vật hoang dã, trồng lại rừng...

Ô nhiễm không khí do sương mù dày đặc bao phủ trên một tuyến đường tỉnh An Huy, Trung Quốc hồi đầu năm 2017. EPA/TTXVN

Báo cáo "Thiệt hại do ô nhiễm không khí" của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay ô nhiễm không khí trong những năm gần đây đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới nhiều tỷ USD/năm với hàng triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến thiệt hại nguồn lực lao động và khiến tốc độ phát triển kinh tế chậm lại.

Báo cáo cảnh báo những nguy hiểm do ô nhiễm không khí gây ra đã bắt đầu xuất hiện rõ tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WB hy vọng cảnh báo trên sẽ truyền tải những thiệt hại do ô nhiễm môi trường đối với kinh tế toàn cầu bằng tới các nhà hoạch định chính sách, từ đó tạo thêm các nguồn lực cho hoạt động cải thiện chất lượng không khí.

Hồi đầu năm nay, bốn mươi trong số những công ty hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017 tại Davos (Thụy Sỹ) đã nhất trí đưa ra những cách thức sản xuất và tiêu thụ nhựa an toàn hơn đối với môi trường, trong bối cảnh rác thải nhựa đang đe dọa hệ sinh thái toàn cầu, nhất là các đại dương.

Sáng kiến này được lãnh đạo các công ty và tập đoàn lớn nhất thế giới đưa ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, người vẫn thể hiện quan điểm nghi ngờ đối với những cảnh báo được đưa ra về các vấn đề môi trường.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương bị ô nhiễm nặng nề của Trái Đất sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá. Hiện khoảng 20% sản phẩm nhựa trên thế giới có thể được tái sử dụng và khoảng 50% có thể được tái chế với chi phí thấp.

Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi "căn bản" về thiết kế và sản xuất, thì 30% sản phẩm nhựa còn lại sẽ không bao giờ được tái chế, tương đương với 10 tỷ rúi rác nhựa một năm bị chôn vào đất, đổ ra biển hoặc thiêu hủy./.

>>> Tại sao các doanh nghiệp Mỹ phản đối hồ sơ khí hậu của Tổng thống Trump?

>>> Taxi kén thân thiện với môi trường phục vụ hành khách tại Stockholm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục