Khuyến cáo nông dân không bơm trữ nước để tránh nhiễm mặn

18:01' - 22/02/2016
BNEWS Với 2 hướng xâm nhập từ biển Đông, biển Tây thì gần hết địa bàn tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn.
Nắng nóng, khô hạn, khi lấy phải nguồn nước nhiễm mặn sẽ xảy ra thiệt hại khó lường. Ảnh:TTXVN

Nhằm giúp giảm thấp nhất thiệt hại do mặn xâm nhập gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, người dân không nên bơm trữ nước vào đồng ruộng. Những khu vực nào gặp khó khăn về nguồn nước tưới tiêu, muốn lấy nước vào phải có ý kiến của ngành chuyên môn, còn nơi nào để xảy ra nhiễm mặn thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Theo ngành nông nghiệp, ngày 22/2 (Rằm tháng Giêng) là thời điểm triều cường mực nước biển dâng cao, nhiều khả năng nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, nhiều tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, thời tiết đang diễn biến bất lợi, nắng nóng, khô hạn, các trà lúa Đông Xuân thiếu nước, khi lấy phải nguồn nước nhiễm mặn sẽ xảy ra thiệt hại khó lường.

Đặc biệt, đối với 41.000 ha/gần 78.000 ha lúa Đông Xuân 2015- 2016 đang bơm nước chống hạn, cần được theo dõi, điều tiết nguồn nước hợp lý để bảo vệ cây lúa an toàn đến cuối vụ.

Điều lo lắng hơn, năm nay mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo cả 2 hướng: Hướng biển Tây từ tỉnh Kiên Giang vào các huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh; biển Đông xâm nhập vào huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy. Với 2 hướng xâm nhập từ biển Đông, biển Tây thì gần hết địa bàn tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn.

Theo kết quả đo độ mặn đầu tháng 2, nồng độ mặn trên các sông lên đến 12 phần nghìn, khu vực nội đồng là 3 phần nghìn. Mặc dù tình hình mặn năm nay mới “khởi điểm” nhưng độ mặn và nạn xâm nhập sâu vào nội đồng ở tỉnh này bằng thời điểm tháng 3, tháng 4 các năm trước.

Trong đó, nhiều địa phương như Châu Thành, thị xã Ngã Bảy từ trước đến nay chưa xảy ra nhiễm mặn, thiếu nước tưới tiêu. Riêng đối với huyện Phụng Hiệp là vùng trũng của tỉnh Hậu Giang, một khi khu vực này bị nhiễm mặn thì không có cách nào “chữa” được, bởi nước ứ lại không có lối thoát. Trong khi đây là vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh, gần 10.000 ha đang cần nguồn nước trong cả mùa khô 2016.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, để giúp người dân nắm đầy đủ thông tin, tình hình xâm nhập mặn, diễn biến khô hạn, ngành đã phân công cán bộ phối hợp với các địa phương đo độ mặn hàng ngày thông báo đến người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp, biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến cáo người dân chủ động gia cố lại đê bao, ao hồ trữ nước ngọt; tỉnh cho đắp, đóng lại toàn bộ hệ thống cống, đập ngăn mặn; khoan các giếng nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho những địa phương bị ảnh hưởng mặn nặng…

Tỉnh Hậu Giang hiện còn khoảng 70.000 ha lúa Đông Xuân, Hè Thu; hơn 30.000 ha vườn cây ăn trái và hơn 10.000 ha mía, dứa… cần nước tưới tiêu. Dự báo, tình hình xâm nhập mặn, khô hạn năm nay kéo dài đến tháng 7, chống hạn, mặn đang là một thách thức lớn đối với chính quyền và nhân dân tỉnh này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục