Khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phòng và giảm thiểu rủi ro thiên tai

12:25' - 13/10/2017
BNEWS Yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Vũ Sinh/TTXVN
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị “Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ kinh nghiệm của Việt Nam trong chỉ đạo phòng chống thiên tai, yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Tuy nhiên, để thích ứng hiệu quả với thiên tai, phải kết hợp đồng thời nhiều giải pháp, trong đó tính tới các giải pháp khoa học, lâu dài như: quy hoạch, phân bổ dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển hạ tầng…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đã chia sẻ và vận dụng nhiều kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có đặc điểm tương đồng. Việt Nam xác định cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai.
Rà soát, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản xuất, phân bố dân cư… làm cơ sở để các ngành, địa phương cụ thể hóa việc tổ chức thực thi.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư, nâng cấp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc điều hành của cơ quan quản lý các cấp và sự chủ động ứng phó của người dân.
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hậ tầng và tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu nạn; kịp thời hỗ trợ việc khắc phục hậu quả sau thiên tai. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao nhận thức, xây dựng các kế hoạch cụ thể tại cộng đồng để ứng phó với thiên tai.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam khuyến khích sự tham gia và huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực nhà nước trong hoạt động phòng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Đặc biệt sự hợp tác giữa các vùng, khu vực, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai hiệu quả.
Hội nghị “Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Ông Achim Fock, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro thiên tia và nguy cơ dễ bị tổn thương cao do phát triển đô thị thiếu quy hoạch, sử dụng đất chưa hợp lý và suy thoái môi trường.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm gia tăng tác động do thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, mức độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thủy văn.
Nếu không đầu tư cho khả năng chống chịu thiên tai hôm nay, Việt Nam sẽ bỏ lỡ đi cơ hội tăng cường tiến bộ về xã hội, kinh tế và môi trường, sẽ gây tác động không tốt cho nhiều năm tới, ông Achim Fock nhấn mạnh.
Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP.
Trong đó, nông nghiệp là ngành được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai, nhất là tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng thấp trũng ven biển và các địa phương miền núi.
Thiên tai trong những năm gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường, điển hình là trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và một số tỉnh lân cận, thiệt hại kinh tế ước tính 55 triệu USD.
Vào giữa tháng 9 vừa qua, cơn bão số 10, thiệt hại ước tính khoảng 385 triệu USD. Gần đây nhất, trong 2 ngày 9-10/10, đợt mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã và đang gây ra hậu quả nặng nề trên địa bàn rộng lớn, mực nước sông nhiều nơi vượt mức đỉnh lũ lịch sử. Tính đến 17h ngày 12/10, đợt mưa lũ đã làm 80 người chết và mất tích và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, Ngày Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai năm nay (13/10) có chủ đề “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và Sơ tán khi có thiên tai” là dịp để cùng nhau nhìn lại, cùng chia sẻ, cùng hành động hướng tới một tương lai an toàn hơn.
Tại hội nghị, với tinh thần tương thân, tương ái, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu đã ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ vừa qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục