Kiểm soát chặt chẽ các dự án để tuân thủ quy hoạch chi tiết

06:30' - 25/09/2017
BNEWS Hiện nay, ở nước ta, việc cấp phép xây dựng khu đô thị ở trung tâm quá nhiều gây ra tình trạng quá tải về dân số hạ tầng.
Kiểm soát chặt chẽ các dự án để tuân thủ quy hoạch chi tiết. Ảnh minh họa: TTXVN
Để quản lý vấn đề này, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án để tuân thủ quy hoạch chi tiết, đặc biệt khi duyệt dự án phải thực hiện kế hoạch đồng bộ về hạ tầng xung quanh… để đảm bảo không gây quá tải cho hạ tầng đô thị.
* Quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ, chưa đạt yêu cầu về chất lượng
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta khoảng 36,6%, cùng với đó dân số đô thị tăng bình quân hơn 1%/năm trong vòng 5 năm trở lại đây, tương đương hằng năm khoảng một triệu người chuyển vào sống trong đô thị. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế khá ổn định, tuy nhiên quá trình đô thị hóa quá “nóng” đã đặt ra nhiều thách thức, bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch phát triển đô thị.
Các chuyên gia cho rằng, tuy qua nhiều khâu, nhiều cửa bởi mỗi cơ quan đều có nhiệm vụ riêng của mình, nhưng khả năng kiểm tra toàn bộ sai phạm tại dự án lại rất khó khăn vì lực lượng thanh tra xây dựng còn mỏng và yếu. Đồng thời, không có cơ quan nào là “tổng chỉ huy” của các đầu mối này, do vậy mới có chuyện một số dự án sai phép hoặc chưa có phép vẫn được xây dựng, thậm chí đến khi đã hoàn thiện cơ quan chức năng mới biết và cuối cùng vẫn không quy được đầu mối chịu trách nhiệm.
Nguyên Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phát triển đô thị kiểu “phong trào” là do khâu tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém. Một thời gian dài, chúng ta tổ chức thực hiện quy hoạch theo kiểu đã có quy hoạch chung là coi như xong. Các chủ đầu tư bám vào quy hoạch chung để “chấm” dự án đầu tư xây dựng, nhưng điều này là sai lệch cơ bản vì quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, sau nó là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị...
Tại phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ thậm chí ngay ngay trong cùng một quy hoạch và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Tầm nhìn quy hoạch có cái dài quá, cái lại ngắn quá. Trong khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch chậm, không đồng bộ, chắp vá… Nguyên nhân do cơ quan quản lý nhà nước chưa làm đúng chức trách. Giám sát cộng đồng hạn chế, thanh tra kiểm tra không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ việc không kịp thời tạo tiền lệ cho vi phạm.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 16 đồ án quy họach xây dựng vùng liên tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án). Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt khoảng 75%; Quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%; tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã). Tính đến tháng 5-2017, dân số đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người.
* Tăng cường quản lý quy hoạch đô thị trong thời gian tới
Theo Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà, hiện nay chúng ta có Luật xây dựng, Luật Quy hoạch Đô thị và Nghị định 11 buộc các dự án phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. Nếu như các dự án hiện nay của chúng ta thực hiện đúng quy hoạch chi tiết thì sẽ không có chuyện quá tải bởi trong quy hoạch xây dựng chi tiết đã quy định cụ thể mật độ sử dụng đất, mật độ dân cư tại mỗi dự án. Bên cạnh quy hoạch chi tiết, khi xây dựng các dự án còn phải xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều khu chung cư xây dựng xong nhưng hạ tầng xung quanh lại chưa xây dựng được. Có hiện tượng xây xong khu chung cư rồi nhưng hạ tầng kết nối bên ngoài chúng ta lại không xây dựng kịp tiến độ…
Về giải pháp, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án để tuân thủ quy hoạch chi tiết, đặc biệt khi duyệt dự án phải đảm bảo kế hoạch đồng bộ về hạ tầng xung quanh để đảm bảo không gây quá tải cho hạ tầng đô thị.
Tới đây Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án...
Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục