Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng kỷ lục

18:09' - 29/06/2017
BNEWS 6 tháng qua, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6 năm 2017 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong thời gian dài, đây là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất, có triển vọng nâng cao giá trị cũng như thương hiệu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm khoảng 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

Trong thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu rau qua được thể hiện ở hầu hết, đặc biệt có nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như :Nga (67%), Nhật Bản (56%), Trung Quốc (50%), Hoa Kỳ (23%), Hàn Quốc (15%) và Thái Lan (12%)…
Không chỉ giữ vững, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng rau quả sang các thị trường, mới đây lần đầu tiên trái xoài xanh, loại xoài tượng của Sơn La đã được xuất khẩu sang Australia.

Cán bộ kiểm dịch thực vật kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Điều này không chỉ đánh thêm một dấu mốc cho trái cây Việt Nam sang thị trường này mà còn là mở ra cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái đối với vùng đất đồi núi phía Bắc, phần lớn là dân tộc thiểu số của tỉnh Sơn La.
Sau khi đưa thành công lô hàng xoài xanh Sơn La đầu tiên sang Australia để đánh giá, thử nghiệm thị trường và đã được thị trường chấp nhận, Công ty Agricare Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam - doanh nghiệp đầu tiên đưa xoài xanh Sơn La sang Australia - nhận định, không cạnh tranh ở phân khúc xoài chín mà nhiều nước đang có thế mạnh, đồng thời nhận thấy Australia cũng chưa phát triển nhiều loại sản phẩm xoài xanh nên công ty quyết định đầu tư, phát triển vào loại sản phẩm này.

Sơn La là vùng ở đất miền núi phía Bắc đã rất nổi tiếng với cây xoài và khá phù hợp phát triển xoài tượng với số lượng lớn nên công ty đã quyết định chọn sản phẩm xoài nơi đây để cất cánh sang Australia.
Theo ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, những năm gần đây, Sơn La đã có chủ trương phát triển cây ăn quả, đặc biệt là xoài. Sơn La có khoảng 4.000 ha xoài cho sản lượng thu hoạch trên 3.000 tấn.

Với nhiệm vụ lớn là tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân, đặc biệt là nông dân trồng xoài, trong thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tham tán thương mại Australia..., tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện để xúc tiến thương mại, đưa quả xoài tượng Sơn La xuất khẩu sang Australia.
Đến nay, hiện mới có 2 hợp tác xã của hai xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu và xã Hát Lót, huyện Mai Sơn được cấp mã số vùng trồng với diện tích 20 ha. Nhưng từ thành công xuất khẩu được quả xoài, Sơn La sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Khi được thị trường chấp nhận tốt, nông dân sẽ tìm cách tăng hiệu quả, sản xuất theo yêu cầu thị trường, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu.
Mức tiêu thụ tuy còn phụ thuộc vào thị trường nhưng dự kiến mỗi tuần Công ty Agricare Việt Nam sẽ xuất sang Australia khoảng 5 tấn xoài. Sản lượng tuy không lớn, nhưng theo ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa được thị trường Australia được coi như cú hích để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường mới.
Trước đây, nông dân có thói quen trồng, sản xuất theo kiểu có gì bán đó. Song nay, nông dân phải thay đổi, phải trồng, xử lý, đóng gói… theo quy chuẩn, yêu cầu của thị trường. Với việc hoa quả Việt Nam có thể xuất khẩu vào Australia, Mỹ thì chúng ta hoàn toàn có thể tự tin có thể xuất khẩu hoa quả sang hầu thế các thị trường trên thế giới.
Ông Hà cũng cho biết thêm, các thị trường được ngành quan tâm nhất trong xúc tiến thương mại trái cây là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, bởi đây là những thị trường lớn, đem lại giá trị cao.

Thị trường Newzealand, tuy không phải là thị trường lớn nhưng đây lại là thị trường có yêu cầu kiểm dịch rất khắt khe nên nếu hoa quả đã xuất khẩu được vào Newzealand như đã được thể hiện được ở một đẳng cấp, thương hiệu cao.

Khi nông dân đã sản xuất ra sản phẩm có thể xuất khẩu vào Australia, Newzealand, điều đó có nghĩa là sản phẩm đó đạt được mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức độ rất cao.

Đưa xoài vào chiếu xạ. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã cấp hai mã số vùng trồng với 20 ha xoài Sơn La, sản phẩm đủ điều kiện đảm bảo xuất khẩu sang Australia, Mỹ, nhưng hiện mới xuất khẩu sang Australia. Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với Sơn La khảo sát, cấp thêm các mã số vùng trồng.

Sau khi cấp mã số vùng trồng nhưng phải duy trì sản xuất để đảm bảo yêu cầu chất lượng xuất khẩu. Với quả nhãn, Trung tâm Kiểm dịch thực vật 1 cũng đã phối hợp với Sơn La khảo sát vùng trồng nhãn lớn nhất của tỉnh này là huyện Sông Mã để hoàn tất cấp mã số vùng trồng.
Theo ông Lò Minh Hùng, với nhiệm vụ trọng tâm của Sơn La là phát triển cây ăn quả để thay thế cây lương thực ngắn ngày trên đất đồi dốc để đảm bảo đời sống bền vững cho người dân, đến năm 2030, Sơn La sẽ có khoảng 100.000 ha cây ăn quả, trong đó điển hình là xoài 50.000 ha, nhãn, bơ… là những cây có thế mạnh của địa phương.

Không chỉ xoài, Sơn La còn có sản phẩm nhãn hàng năm với số lượng khá lớn, chất lượng tốt, nên thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục xuất khẩu được quả nhãn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm trái cây Sơn La cũng như đời sống cho người dân.
Bởi vậy, ngoài chính sách chung của Trung ương, Sơn La đã có những những chính sách riêng hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, trong đó đặc biệt là cây ăn quả. Dự kiến, trong tháng 7 tới, tỉnh sẽ có nghị quyến chuyên đề về hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có chú trọng phát triển cây ăn quả.
Ông Lê Sơn Hà cho biết thêm, hiện Cục Bảo vệ thực vật đang hoàn thiện thủ tục để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản. Quả nhãn đã sang được Mỹ nhưng sẽ tiếp tục đàm phán, hoàn tất thủ tục để đưa quả nhãn sang Australia, New Zealand.

Đặc biệt, sẽ hoàn thiện quy trình để xuất khẩu quả thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng sang Australia, trong năm nay, loại quả này khả năng sẽ được xuất khẩu sang thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục