Kinh tế Canada: Những toan tính trước thềm đàm phán NAFTA

05:30' - 06/06/2017
BNEWS Kinh tế Canada phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Mỹ, vì thế, Ottawa cần phải gấp rút chuẩn bị cho các cuộc đàm phán lại NAFTA căng thẳng sắp tới.
Kinh tế Canada cùng những toan tính trước thềm đàm phán NAFTA. Ảnh: Reuters

Trung tuần tháng Năm, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã thông báo cho Quốc hội nước này về ý định đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Luật Thương mại Mỹ quy định Quốc hội phải nhận được thông báo ít nhất 90 ngày, do đó tiến trình đàm phán lại NAFTA có thể sẽ được chính thức khởi động từ giữa tháng Tám.

Theo bài viết trên trang iPolitics của tác giả Adam Taylor, đối với Canada, đây là một vấn đề quan trọng vì Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Nền kinh tế Canada phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế Mỹ, vì thế, Canada phải gấp rút chuẩn bị cho các cuộc đàm phán căng thẳng sắp tới.

Theo đó, Canada cần lên sẵn các kịch bản có thể xảy ra, vì lịch trình đàm phán sẽ được bố trí khá dày đặc, nhất là sau khi ông Lighthizer tuyên bố muốn kết thúc đàm phán trước cuối năm nay.

Để đạt được những “thay đổi lớn” như Tổng thống Trump tuyên bố trong bối cảnh thời gian đàm phán gấp gáp, chắc chắn các bên sẽ phải tiến hành hàng “núi” công việc. 

Trước đây, Mỹ và Canada phải mất 17 tháng mới cho ra đời thỏa thuận thương mại song phương. Sau đó, mất thêm 2 năm để mở rộng thỏa thuận này thành NAFTA, với sự tham gia của cả Mexico. Tiến trình đàm phán thương mại tự do gần đây của Canada với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng đều mất ít nhất 5 năm mới hoàn tất. 

Bên cạnh đó, Canada cần khẩn trương xác định rõ quan điểm cũng như mục tiêu cuối cùng của mình trước khi bước vào tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, với một chính phủ luôn muốn tiến hành tham vấn người dân trước các quyết sách lớn, thời gian sẽ không ủng hộ họ. 

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, ngành nghề, nông dân, công nhân, chính quyền tỉnh, thành phố và nhiều đối tượng liên quan khác, việc đưa được những vấn đề cần quan tâm vào nội dung đàm phán và bảo vệ lợi ích của mình trong phiên bản NAFTA mới đang là điều quan trọng nhất.

Ở thời điểm này, Canada không thể “há miệng chờ sung”, mà phải thực sự vào cuộc một cách quyết liệt. Mặt khác, Canada cần tập trung thúc đẩy và cải tổ nền kinh tế. Kinh tế toàn cầu đã thay đổi rất nhiều kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực năm 1994. 

Mặc dù từng là thỏa thuận thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Canada, nhưng hiện giờ NAFTA đã tụt xuống sau Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) của Canada với EU và FTA Canada - Hàn Quốc, cả về phạm vi điều chỉnh lẫn tham vọng đặt ra. 

Khi CETA chính thức có hiệu lực, hơn 90% các loại thuế quan sẽ được xóa bỏ, trong khi chỉ có 29% các loại thuế được xóa bỏ trong ngày NAFTA có hiệu lực.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, Canada đang cần cải tiến và hiện đại hóa nhiều ngành kinh tế, nhất là về thị trường lao động, nhưng NAFTA lại không có các quy định liên quan đến thương mại điện tử, kinh tế kỹ thuật số, gia tăng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Canada muốn theo đuổi giải pháp cùng thắng cho tất cả các bên. Trong thời gian tranh cử, nhiều chính trị gia sẵn sàng đưa ra những cam kết để giành thiện cảm và lá phiếu, nhưng sau khi đắc cử thường khó thực hiện lời hứa vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Trump cũng đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, ít nhất trên phương diện thương mại. Ông đang tìm mọi cách bảo vệ chính sách bảo hộ thương mại, cho dù trên thực tế số việc làm ở các tiểu bang vành đai công nghiệp (thuộc Đông Bắc) nước Mỹ mất đi vì lý do công nghệ và tự động hóa nhiều hơn là mất vào tay Trung Quốc và Mexico. 

Nhưng với một người hãnh tiến như ông Trump, ông sẽ không dễ dàng từ bỏ quan điểm của mình và Canada khó có lựa chọn nào khác tốt hơn là tìm kiếm một giải pháp cùng thắng cho tất cả các bên trong vấn đề đàm phán lại NAFTA.

Giải pháp này sẽ giúp thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Canada, và phải luôn được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu trong quá trình thương lượng ba bên. 

Cuối cùng, trong bất cứ hoàn cảnh nào Canada cũng phải đảm bảo duy trì tính cạnh tranh của nền sản xuất Bắc Mỹ. Cho dù Chính quyền Trump có theo đuổi xu hướng bảo hộ thương mại mạnh mẽ đến cỡ nào thì vẫn có một thực tế không thể phủ nhận là chính NAFTA tạo nên tính cạnh tranh của nền kinh tế Bắc Mỹ.

Không chỉ thế, ngành sản xuất ở Bắc Mỹ còn mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, từ công nghiệp ô tô đến vũ trụ, từ vận tải đến sản xuất thực phẩm. 

Tổng thống Trump hẳn nhận thức rất rõ những thương vụ của mình đã được hưởng lợi như thế nào từ việc khai thác chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì thế, đây là thời điểm chín muồi để duy trì và củng cố nền tảng sản xuất của NAFTA, vì lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, nông dân, nhà đầu tư và các hộ gia đình ở cả ba nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục