Kinh tế đó đây

06:05' - 08/01/2016
BNEWS Những tin tức về kinh tế, chính trị nổi bật trong tuần qua.

Nhật Bản-Triều Tiên

Hàng loạt cuộc họp của các quan chức hàng đầu chính phủ và quốc phòng đã diễn ra để thảo luận về các biện pháp đối phó sau thông báo của CHDCND Triều Tiên về vụ thử bom nhiệt hạch.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tham dự cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia. Ảnh: Kyodo.

Cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia với thành phần tham dự là Thủ tướng Shinzo Abe, Chánh văn phòng nội các Yosihide Suga, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida, thảo luận việc áp đặt bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, trong đó có biện pháp siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Triều Tiên và các hoạt động chuyển tiền sang quốc gia này.

Hàn Quốc

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Thống nhất nước này cho biết họ đã quyết định hạn chế một phần số người Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Kaesong nằm trên lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên gần biên giới giữa hai miền.

Hàn Quốc quyết định hạn chế một phần số người Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Kaesong. Ảnh: thecommentator.

Theo quyết định trên, được đưa ra sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công bom nhiệt hạch, chỉ những doanh nhân Hàn Quốc trực tiếp tham gia vào hoạt động của các nhà máy tại khu công nghiệp này được phép vào khu vực trên “trong thời điểm hiện nay”. Tuy nhiên, quyết định không cho biết biện pháp này sẽ có hiệu lực đến khi nào.

Đức

Tại cuộc gặp truyền thống của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CSU) tại thị trấn Wildbad Kreuth, thuộc bang Bayern trong ngày 6/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.

đã tái khẳng định quan điểm nhất quán với CSU là không có mức trần tiếp nhận người tị nạn ở Đức. Theo bà Merkel, điều quan trọng kể cả với CSU là nước Đức muốn "giảm rõ rệt số người di cư" vào nước này cũng như cần "thực hiện tốt hơn việc cho hồi hương những người tị nạn bị bác đơn".

Bên cạnh đó EU một mặt cần hạn chế dòng người tị nạn, mặt khác cũng phải duy trì đường biên giới mở cho tự do đi lại trong khối. Tuyên bố này ám chỉ việc Đan Mạch và Thụy Điển vừa áp dụng tạm thời kiểm soát đường biên giới để hạn chế người tị nạn vào hai nước.

Mỹ

*Các phương tiện truyền thông khu vực dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng Washington đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình tên lửa của Iran. Bộ Ngoại giao Mỹ đang tiến hành tham vấn với các cơ quan liên quan khác của Mỹ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Mỹ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình tên lửa của Iran. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiến hành bắn thử thành công tên lửa đạn đạo có thiết bị dẫn đường mang tên "Emad". Washington đã lên án vụ bắn thử, cho rằng loại tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân và cam kết sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt mới.

*Phát ngôn viên của liên quân do Mỹ chỉ huy, Đại tá Steve Warren cho biết các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ tháng 10/2015 đã làm giảm 30% doanh thu từ dầu mỏ của tổ chức cực đoan này. Cụ thể, liên quân do Mỹ chỉ huy đã tiến hành 65 cuộc không kích vào các cơ sở dầu mỏ của IS ở Iraq và Syria, khiến sản lượng dầu mỏ của tổ chức này giảm từ 45.000 thùng/ngày xuống còn 34.000 thùng/ngày.

Các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của IS đã làm giảm 30% doanh thu từ dầu mỏ của tổ chức này. Ảnh: businessinsider.

Theo đánh giá của các chuyên gia, IS là tổ chức khủng bố giàu có nhất trong lịch sử với thu nhập từ nhiều nguồn như bán dầu khai thác từ các vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát, tống tiền và bán đồ cổ. Doanh thu từ dầu mỏ của IS ước vào khoảng 47 triệu USD/tháng tính đến thời điểm trước tháng 10/2015.

Thổ Nhĩ Kỳ

Các lực lượng bảo vệ bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiến hành một chiến dịch kiểm tra một con tàu treo cờ Bolivia ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Libya và bắt giữ 13 tấn cần sa. Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đây là chiến dịch chống ma túy đầu tiên của nước này trên vùng biển quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 13 tấn cần sa trên ột con tàu treo cờ Bolivia ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Libya. Ảnh: Reuters.

Chiến dịch, được thực hiện với sự hỗ trợ của lực lượng không quân và sự hợp tác của chính phủ Bolivia, diễn ra ở vùng biển phía Đông Bắc cảng Tobruk của Libya. Theo Anadolu, con tàu trên đã bị đưa về vùng biển thuộc chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết.

Algeria-Nga

Trang tin DefenseNews đưa tin không quân Algeria đã đặt mua 12 máy bay tiêm kích bom Sukhoi SU-34 của Nga. Việc mua SU-34 là một phần của bản hợp đồng mua vũ khí mà Algeria đã ký với Nga vào năm 2006 trị giá 7,5 tỷ USD theo đó Nga cung cấp cho Algeria các hệ thống chống tên lửa, máy bay, thiết bị và công nghệ quốc phòng. Theo ước tính, mỗi chiếc SU-34 có giá 37 triệu USD.

Algeria đã đặt mua 12 máy bay tiêm kích bom Sukhoi SU-34 của Nga. Ảnh: Sputnik.

Algeria có ấn tượng đặc biệt với những thành công của SU-34 trong chiến dịch Nga không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria hồi tháng Chín vừa qua. Ngoài ra, không quân Algeria và Nga cũng đang tiến hành đàm phán để mua các máy bay ném bom phiên bản được nâng cấp SU-24.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục