Kinh tế Syria: Kiệt quệ sau sáu năm chiến tranh

14:54' - 04/04/2017
BNEWS Mặc dù cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột kéo dài ở Syria, bất ổn chính trị và an ninh ở quốc gia này vẫn đang diễn biến phức tạp.
Khói bốc lên sau một đợt không kích ở Deraa. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét về kinh tế, Syria hiện đang trong giai đoạn "kiệt quệ" nhất kể từ khi nổ ra nội chiến vào tháng 3/2011, khiến mọi nỗ lực tái thiết thời hậu chiến trở nên khó khăn. 

Do sử dụng nguồn tài chính khổng lồ cho cuộc chiến trong suốt 6 năm qua, ngân khố của Syria nay đã cạn kiệt, trong khi nguồn hỗ trợ kinh tế từ đồng minh chủ chốt khu vực là Iran ngày một suy giảm. 

Nhà kinh tế Omar Dahi (người Syria, hiện là Phó Giáo sư tại Đại học Hampshire của Mỹ) đánh giá rằng xét về khía cạnh kinh tế, những tổn thất ở Syria là vô cùng lớn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này từng đạt mức 60,2 tỷ USD vào năm 2010, song con số này trong năm 2016 đã giảm hơn một nửa xuống còn 27,2 tỷ USD (tính theo giá năm 2010). 

Chuyên gia Dahim nêu rõ nếu tính đến tỷ lệ tăng trưởng thực, tổng thiệt hại kinh tế của Syria đã lên tới ít nhất 430% GDP (tính theo giá năm 2010). The ông Dahim, đây là một trong những mức thiệt hại lớn nhất về GDP do xung đột gây ra kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Chiến tranh và xung đột ở Syria đã tàn phá nặng nề ngành công nghiệp và nông nghiệp của nước này, đồng thời đẩy hơn một nửa dân số trong tổng số 23 triệu người (trước chiến tranh) lâm vào cảnh không nhà không cửa và thất nghiệp. Hàng triệu người tị nạn Syria đang phải "tá túc" tại các nước láng giềng Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban. 

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Iran là nguồn hỗ trợ kinh tế chủ chốt của Syria. Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Syria, ông Staf­fan de Mistura ước tính rằng Tehran đã chi ít nhất 6 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad, một đồng minh thân cận của Iran trong khối Arab.      

Chính quyền Damascus đang đối mặt với 4 cái thiếu, đó là thiếu nhiêu liệu sưởi ấm, xăng dầu, điện và nước sinh hoạt. Điều kiện khó khăn hiện nay đã làm đình trệ hoạt động công nghiệp ở những khu vực do chính phủ kiểm soát, ước chiếm 40% lãnh thổ đất nước.

Tình trạng thiếu nước ở Syria đã xuất hiện từ tháng 12/2016 khi giao tranh tại các vùng ngoại ô Damascus, cắt đứt nguồn cung cấp nước chủ chốt của thủ đô từ suối Ayn al-Fijah. Khan hiếm đã khiến giá nước sinh hoạt tăng vọt lên tới 50 USD/45 lít trên thị trường chợ đen. Mức này trung bình chỉ đủ cho một hộ gia đình sử dụng dưới 10 ngày.   

Cuộc khủng hoảng nhiên liệu cũng diễn ra sau đó 2 tháng, khiến giao thông công cộng ở thủ đô Damascus rơi vào cảnh tê liệt. Hậu quả là giá xăng dầu tăng 450% so với 5 năm trước, lên 225 bảng Syria/lít (1,05 USD/lít). Cách đây 5 năm, giá xăng được nhà nước trợ giá chỉ bán ở mức 50 bảng Syria/lít, với nguồn cung ứng luôn có sẵn trên thị trường vì Syria là nước sản xuất dầu mỏ.   

Hiện nay, Chính phủ Syria không có khả năng cung ứng xăng dầu, điện, nước sinh hoạt và nhiêu liệu sưởi ấm cho tất cả các thành phố và thị trấn mà các lực lượng của Tổng thống Assad giành quyền kiểm soát  với sự giúp sức của quân đội Nga từ tháng 9/2015.

Ngoài một số nhà máy điện ở miền Bắc và miền Trung vẫn duy trì phát điện, các nhà máy điện chủ chốt của Syria đã ngừng hoạt động kể từ năm 2012 do thiếu nhiên liệu. Các nhà máy này cần tới 8.500 tấn nhiên liệu mỗi ngày để hoạt động, nằm ngoài khả năng của chính phủ. Trong khi đó, đồng minh khu vực Iran đã không thể cung cấp để hỗ trợ Syria.    

Bất ổn chính trị và an ninh cũng làm cho đồng nội tệ mất giá thảm hại, khiến đời sống của đại bộ phận người dân ngày càng khó khăn. Tỷ giá đồng bảng so với USD năm 2012 chỉ ở mức 50 bảng Syria đổi 1 USD, nhưng nay tăng lên 550 bảng Syria /USD. Với mức tỷ giá hiện nay, tiền lương của một tướng quân đội 5 sao có giá trị chưa tới 145 USD/tháng.

Trong khi đó, mọi thứ hàng hóa trên thị trường đều đã tăng gấp nhiều lần, nhất là nước sinh hoạt, xăng dầu và điện, do đó đời sống của người dân ngày càng đi xuống. Tiền lương của lao động khu vực công đã được nâng lên 7.500 bảng Syria/tháng, tương đương khoảng 15 USD, song mức này không đủ đáp ứng các mặt hàng cơ bản do giá cả leo thang.   

Tất cả các nguồn thu của chính phủ như dầu mỏ và du lịch đều không còn. Các mỏ dầu và khí đốt ở khu vực Đông Bắc hiện vẫn nằm trong tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, buộc chính quyền Damascus phải đi mua nhiên liệu từ thị trường chợ đen.

Các công ty nhà nước từng đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho chính phủ cũng đã bị giải thể vì chiến tranh. Các nguồn thuế bị thất thu do nhiều người dân phải sống cảnh tha hương hoặc đi sơ tán để tránh xung đột. Việc áp dụng các loại thuế mới là không khả thi vì hầu hết người dân không thể kiếm được ra tiền và đang phải sống nhờ vào những khoản tiền tiết kiệm ít ỏi./.      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục