Kinh tế toàn cầu rúng động vì Trung Quốc, Đức và Pháp vẫn lạc quan

15:39' - 25/08/2015
BNEWS Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn có triển vọng tăng trưởng ổn định và đủ mạnh để chống chọi tình hình đang diễn ra.

Chứng khoán thế giới đã trải qua một “ngày thứ Hai đen tối” trong phiên giao dịch ngày 24/8, với ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ gồm Dow Jones, Standard & Poor's 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc xấp xỉ 4%.

Những lo ngại đang ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư liên quan đến thực trạng và viễn cảnh không mấy sáng sủa của nền kinh tế Trung Quốc tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, phản ứng trước việc này, Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn có những triển vọng tăng trưởng ổn định, “miễn nhiễm” với những gì đang diễn ra tại Trung Quốc và vẫn đủ mạnh để chống chọi tình hình đang diễn ra.

Nhận định này được Tổng thống Hollande đưa ra bên thềm cuộc gặp ba bên tại thủ đô Berlin (Đức) với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine (U-crai-na) Petro Oleksiyovych Poroshenko.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, sự chuyển động đơn thuần của các chỉ số chứng khoán không thể quyết định được vị trí của nền kinh tế toàn cầu. Đồng quan điểm với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Merkel cũng tin rằng Bắc Kinh sẽ làm tất cả để ổn định tình hình kinh tế của đất nước, đồng thời khẳng định “đầu tàu” kinh tế châu Âu vẫn sẽ “khỏe mạnh” do được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng cao.
Trước đó, tâm lý quan ngại về tương lai của nền kinh tế toàn cầu và đà lao dốc sâu hơn của các thị trường thế giới đã khiến giới đầu tư đổ xô đi tìm những “nơi trú ẩn an toàn” như vàng và đồng yen Nhật.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chứng khoán thế giới chao đảo trong phiên giao dịch đầu tuần 24/8 với khoảng 812 tỷ USD đã bị “bốc hơi” khỏi thị trường Mỹ.

Toàn bộ 10 khu vực thuộc thành viên nhóm chỉ số Standard & Poor's 500 trong ngày 24/8 đều bị rơi vào “vùng đỏ”, trong đó cổ phiếu của các tập đoàn năng lượng bị mất giá thảm hại nhất, trung bình 5,18%.

Chưa dừng lại ở đó, tâm trạng lo lắng của các nhà đầu tư về thực trạng và viễn cảnh của nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, cũng là nguyên nhân chính tác động đến giá dầu. 

Giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới trong ngày 24/8 tiếp tục giảm sâu 2,21 USD xuống 38,24 USD/thùng đối với giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2015.

Còn tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 2,8 USD và đóng cửa ở mức 42,69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục