Kinh tế Trung Quốc: Tiêu dùng là động lực chính

07:03' - 21/10/2017
BNEWS Mặc dù các chỉ số kinh tế của Trung Quốc có phần đi xuống trong hai tháng gần đây, nhưng các tổ chức của Trung Quốc và nước ngoài vẫn tỏ ra lạc quan vào tình hình kinh tế của nước này năm 2017.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo do Viện nghiên cứu tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) công bố mới đây, nền kinh tế Trung Quốc vẫn có cơ sở vận hành ổn định. Ở bên ngoài, rủi ro không xác định của kinh tế thế giới được hạ thấp, toàn bộ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản đều ở trên con đường liên kết để phát triển.

Trong khi tại Trung Quốc, phương châm “tam khứ, nhất giáng, nhất bổ” (tức là ba cắt, một giảm, một bổ sung) được đi sâu thực hiện, lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng cải thiện.

Đây là phương châm chỉ đạo cho phát triển kinh tế Trung Quốc thời gian tới, trong đó “ba cắt” gồm cắt bớt sản lượng, cắt bớt tồn kho, cắt bớt kích cầu, "một giảm"là giảm giá thành, “1 bổ sung” là bổ sung những ngành nghề còn yếu kém. Trong tình hình này, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2017 dự kiến sẽ ở mức khoảng 6,8%.

Nhiều cơ quan quốc tế cũng đưa những dự báo tương tự. Citibank nâng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III và quý IV từ 6,5% và 6,4% tăng lên lần lượt 6,7% và 6,6%; dự báo nhịp độ tăng trưởng GDP năm 2017 cũng tăng từ 6,6% lên 6,8%. Ngân hàng Standard Chartered ước đoán Trung Quốc có triển vọng thực hiện tăng trưởng nhanh lần đầu kể từ năm 2010.

Sau chuyến thăm và làm việc thường niên tại Trung Quốc, Phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) - AMRO cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2017 dự kiến sẽ đạt 6,8%, năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tăng trưởng mạnh.

Chuyên gia hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Trạch Điền Khang (Zetian Kang) nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì tính đàn hồi, điều củng cố vai trò của nước này là một động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các đánh giá lạc quan về kinh tế Trung Quốc xuất phát từ sự tăng trưởng ổn định của tiêu dùng và các ngành dịch vụ trong nước, cũng như tiến trình cải cách cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy đi vào chiều sâu.

Hiện nay, tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã vượt quá 60%, cao hơn nhiều so với đầu tư. Báo cáo mới đây của ADB cho biết cùng với việc tăng thu nhập và lòng tin của người tiêu dùng, ngành hàng tiêu dùng 6 tháng cuối năm 2017 sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

JP Morgan Chase - một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York, Mỹ - cũng cho rằng mặc dù đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản giảm đi hoặc có tác động nhất định đến nền kinh tế Trung Quốc, sự mở rộng ổn định của ngành hàng tiêu dùng, ngành dịch vụ cũng như sự phát triển không ngừng của đầu tư tư nhân vẫn hỗ trợ tích cực cho triển vọng kinh tế của Trung Quốc năm 2017.

AMRO cho biết do lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, đầu tư tư nhân phục hồi và việc thực hiện những biện pháp hữu hiệu trong sản xuất, những rủi ro mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong ngắn hạn đã được dỡ bỏ.

Tổng thể nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán với việc mở rộng một vòng đầu tư mới, việc làm và thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng, cơ sở để phục hồi kinh tế thế giới tương đối vững chắc.

Mặc dù xu thế ổn định về lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc là không thay đổi, nhưng những rủi ro ngắn hạn cũng không thể không đề phòng. ARMO cho biết những tác động từ việc tìm kiếm đòn bẩy tài chính, sự suy thoái của thị trường bất động sản, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…, sẽ trở thành những yếu tố bất lợi đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu, tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu để xử lý rủi ro nợ công từ các ngành yếu kém như khai thác mỏ và bất động sản, thực hiện quản lý tính thanh khoản tích cực và kịp thời tinh chỉnh, tăng cường giám sát tài chính, duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Trung Quốc, Trần Vệ Đông (Chen Weidong) cho rằng hiện nay Trung Quốc cần phải có chính sách vĩ mô về điều chỉnh trước và tinh chỉnh đúng mức và kịp thời, trong chính sách tiền tệ cần chú ý thêm đến tính linh hoạt, cũng như thực hiện nghiêm chính sách quản lý và giám sát nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục