Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Cần rà soát kỹ trước khi ban hành Luật Đấu giá tài sản

17:42' - 24/10/2016
BNEWS Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Đấu giá tài sản cần được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo được tính công bằng, minh bạch trước khi đi vào thực tế.
Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự án Luật đấu giá tài sản. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 24/10, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khoá XIV đã thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Bên lề Quốc hội, phóng viên BNEWS/TTXVN đã ghi lại những ý kiến khác nhau của các đại biểu xung quanh dự thảo Luật này.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Đoàn Thừa Thiên Huế): Ban hành Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết

Luật Đấu giá tài sản được đưa ra thảo luận tại Quốc hội lần này nhằm nâng cao tính minh bạch và xác định thực về giá trị tài sản. Trong thời gian qua, việc đấu giá tài sản đã được thực hiện. Tuy nhiên, phạm vi liên quan tập trung nhiều đến tài sản của nhà nước.

Đấu giá tài sản không chỉ liên quan đến tài sản của nhà nước mà còn liên quan tới tài sản của rất nhiều tổ chức mà họ muốn thông qua đấu giá để xác định giá trị tài sản. Bên cạnh đó, có rất nhiều thủ tục liên quan đến bộ máy tổ chức, con người... Do đó, việc ban hành Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc hình thành hay chuyển đổi từ trung tâm đấu giá của tỉnh sang công ty tư nhân thì cần phải nghiên cứu kỹ, để đảm bảo tính hiệu quả, tạo sự đồng nhất trong quá trình đấu giá.

Đồng thời, công tác đào tạo tiêu chuẩn của đấu giá viên cần phải được làm rõ để đảm bảo đấu giá viên có năng lực thật sự, từ đó xây dựng đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản lần này vẫn còn nặng về đấu giá tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, còn những tài sản của tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá thì cần phải tạo điều kiện được tham gia nhằm tạo tính công bằng, minh bạch.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn Hà Giang): Cần rà soát cụ thể hơn

Dự thảo quy định một số nguyên tắc đấu giá nợ xấu và tài sản của khoản nợ xấu đảm bảo đúng trình tự và nguyên tắc. Theo quy định, đấu giá viên được hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Như vậy vẫn cần bổ sung hình thức là được làm tại tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu.

Đối với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, nên giao quyền cho địa phương để phù hợp thực tiễn, tăng quyền giám sát và có thể chủ động xây dựng lộ trình chuyển đổi trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản sang cơ chế tự chủ hoàn toàn hoặc chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Quá trình này cần được cân nhắc để có hiệu quả và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là các tỉnh còn nhiều khó khăn như miền núi phía Bắc.

Từ góc nhìn địa phương, dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần rà soát cụ thể hơn hoặc trong quá trình triển khai, có hướng dẫn rõ ràng. Ví dụ, về quy định khoản tiền đặt trước.

Theo quy định, tiền đặt trước được gửi vào tài khoản riêng của tổ chức đấu giá mở tại một tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, với tỉnh miền núi như Hà Giang, vẫn còn vướng vì địa hình đi lại khó khăn. Nếu để đồng bào đi một chặng xa như vậy để đến với huyện mới có tổ chức tín dụng này thì khó khăn.

Bên cạnh đó, trong quy định người có tài sản được quyết định thành lập hội đồng để đấu giá tài sản trong trường hợp sau: không lựa chọn được tổ chức đấu giá. Nội dung này nên thay bằng không thuê được để tránh trường hợp các chính quyền địa phương cho thành lập tràn lan các hội đồng đấu giá tài sản và đảm bảo sự minh bạch khi đấu giá tài sản của nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn): Còn nhiều điểm cần phải sửa

Đấu giá phải trở thành một hình thức, phương thức, công cụ trong hoạt động kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển, nhất là kinh tế thị trường và đối với hàng hóa trong xã hội. Đây là mấu chốt quan trọng nhưng cách tiếp cận trong Luật mới đơn thuần chỉ giải quyết vấn đề tài sản hàng hóa mang tính chất tồn đọng cần phải xử lý, thanh lý tài sản của Nhà nước.

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản lần này mới đề cập phần lớn đến tài sản thuộc quyền sở hữu nhà nước. Còn quy định tài sản do cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn thông qua hình thức đấu giá – khoản này cần làm rõ hơn, bao gồm cả tài khoản hàng hóa. Nên bổ sung cả tài sản là thương hiệu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, địa điểm đấu giá là nơi có tài sản đấu giá là UBND hoặc cơ quan có tài sản đấu giá. Tuy nhiên, yếu tố này chưa hợp lý, mặc dù có thể rất linh hoạt nhưng chưa thể hiện tính chuyên nghiệp, tạo nhiều rào cản khi thực thi, thậm chí, tăng chi phí hành chính. Thường thì hoạt động đấu giá chỉ phát sinh tại nơi có điều kiện phát triển, xuất hiện nhiều mối quan hệ kinh tế. Địa điểm đấu giá cần thực hiện ở các trung tâm hoạt động đấu giá để nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và tham gia. Số lượng, địa điểm được hình thành theo nhu cầu của từng địa phương.

Thực tế, thời gian niêm yết là yếu tố rất quan trọng quyết định tính công khai, minh bạch, hiệu quả nhưng nay dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang để thời gian quá ngắn, dẫn đến sơ hở cho những hoạt động trục lợi.

Do đó, cần tăng thời thời gian niêm yết với những động sản là 15 ngày thay vì 7 ngày như trước kia. Bất động sản cũng tăng thời gian niêm yết là 30 ngày thay vì 15 ngày như trong dự thảo.

Ngoài ra, tất cả tài sản đấu giá cần được đưa lên trang thông tin của mạng đấu giá các địa phương, giá trị tài sản ít nhất từ 100 triệu đồng trở lên thay vì 50 triệu đồng như dự thảo.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang): Còn một số điểm chưa hợp lý

Tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản có quy định đào tạo nghề đấu giá phải có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 5 năm trở lên và được tham gia khóa đào tạo nghề về đấu giá, như vậy chưa hợp lý nếu coi đấu giá là một nghề tương tự như nghề luật sư, công chứng…

Trong khi đó các ngành nghề này không buộc phải tham gia khóa đào tạo nghề về luật sư, công chứng. Họ chỉ cần có bằng cử nhân luật, không cần quy định thời gian qua thực tiễn… Hơn nữa thu hẹp đào tạo ngành nghề đấu giá là không phù hợp với chủ trương xã hội hóa và tạo nguồn đấu giá viên cho các tổ chức đấu giá tài sản.

Chính vì thế, đề nghị sửa đổi theo hướng giảm quy định về thời gian công tác trong lĩnh vực đào tạo từ 5 năm xuống còn 3 năm.

Theo dự thảo, người được miễn đào tạo nghề là: luật sư, công chứng viên, trọng tài viên… là không phù hợp vì những người này chưa được đào tạo nghề đấu giá.

Tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá một số sản phẩm quy định phải thông báo công khai ít nhất 2 lần và liên tiếp trên báo in, báo hình trung ương hoặc trang thông tin chuyên ngành, hoặc phương tiện truyền thông địa phương nơi có tài sản đưa ra đấu giá.

Nội dung này không nên bắt buộc thông báo trên báo in và hình vì giá tiền cao. Có trường hợp tài sản giá trị thấp nhưng phải quảng cáo nhiều lần mà vẫn không có người mua, gây tổn thất cho người có tài sản bán đấu giá.

Số lượng người tiếp cận thông tin qua các kênh này không nhiều do đây không phải chuyên mục thường xuyên. Do đó, cần bỏ quy định này và luật hóa việc đăng tải trên website đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp và các trang ngành của địa phương để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đấu giá một cách khách quan, đầy đủ…

Trên thực tế, bán đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thu nhập của nhân dân thấp nên nhu cầu và khả năng tham gia đấu giá không nhiều, chỉ tập trung vào một số đối tượng có thu nhập cao.

Vì vậy, ở một số nơi, đất quy hoạch có thông báo bán đấu giá nhiều năm nhưng vẫn không có khách hàng mua. Do đó, với các lô đất này, bắt buộc phải có 2 trường hợp trở lên đăng ký tham gia đấu và trả giá là không phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục