Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp

14:40' - 04/11/2016
BNEWS Các đại biểu đều thống nhất với nhận định được Đoàn giám sát đưa ra, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng.

Làm gì để tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội phân tích, thảo luận kỹ tại phiên thảo luận sáng 4/11 về Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp. 
Phiên làm việc quan trọng này của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với nhận định được Đoàn giám sát đưa ra, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. 
Thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp 
Kết quả giám sát về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho thấy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện diễn ra chậm. Cùng nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đã phân tích, chỉ ra vấn đề mấu chốt có tầm quan trọng hàng đầu trong công cuộc tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn mới, phải tập trung giải quyết. Đó là việc chuẩn bị các năng lực hội nhập bị sao nhãng, việc quá tập trung với ứng phó ngắn hạn, cấp bách, chưa chú ý đầu tư đầy đủ tới xây dựng năng lực hội nhập.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Thu Trang phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa phát triển, gặp nhiều khó khăn xây dựng đề án tái cơ cấu phù hợp với hoàn cảnh riêng. Cùng với đó, các địa phương cần tích cực phối hợp tối đa với các chuyên gia để chủ động xây dựng đề án tái cơ cấu của địa phương. Sự phối hợp này sẽ đảm bảo được tính nhất quán của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong toàn bộ tái cơ cấu nền kinh tế, giúp đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện, đặc thù địa phương, phát huy được lợi thế và sáng kiến địa phương. 
Với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần lấy doanh nghiệp làm chủ lực, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lý giải việc tái cơ cấu nông nghiệp là thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ thủ công sang quy mô hóa, hiện đại hóa. Việc này nếu chỉ nhà nước hay nhân dân đều không làm được mà phải dựa vào doanh nghiệp. Vì thế, cần đề ra những cơ chế, chính sách pháp luật đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây phải được coi là nội dung chính, là đòn bẩy để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới - đại biểu khẳng định. 
Theo đó, tái cơ cấu nông nghiệp cũng cần cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp, đó là các đơn vị sự nghiệp có thu như trạm giống cây trồng, vật nuôi, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư…

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, tái cơ cấu nông nghiệp cần theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vì các chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta từ trước vẫn theo hướng vô cơ, nền nông nghiệp sử dụng nhiều chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… "Đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần có chủ trương mạnh mẽ và chuyển nhanh sang phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe nhân dân và giúp nước ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên tiềm năng phát triển nông nghiệp của mình."- đại biểu kiến nghị. 
Khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội xây dựng nông thôn mới 
Nhiều đại biểu tỏ ý băn khoăn về thực trạng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định. Việc quy định tỷ lệ cơ cấu vốn thực hiện Chương trình như nhau mà không tính đến đặc thù vùng, miền, địa phương đã làm cho các địa phương kinh tế còn khó khăn không tự cân đối được ngân sách, khó khăn trong việc huy động vốn để thực hiện Chương trình.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng tại các địa phương tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lớn. Hiện có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện không đảm bảo so với mục tiêu Chương trình. Nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phê duyệt dự án và đồng ý để các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán.

Một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực. Một số khoản nợ được các địa phương thống kê, tuy nhiên thực tế vẫn đang trong thời hạn thanh toán; một số nơi chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầu tư xây dựng dẫn đến chậm giải ngân các nguồn vốn. Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nhận định: Đây là bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 
Để thực hiện tốt việc huy động các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích được sự tham gia của toàn xã hội góp sức xây dựng nông thôn mới, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề nghị các địa phương cần công khai, minh bạch các công việc thực hiện, giúp người dân nắm được thông tin một cách đầy đủ, đa chiều, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tích cực đóng góp vào việc xây dựng nông thôn mới.

Chỉ ra một thực tế dù Nhà nước đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn đầu tư để xây dựng nông thôn mới song không có cơ chế lồng ghép rõ ràng, dẫn đến mỗi địa phương lồng ghép một kiểu, khiến nguồn vốn không tập trung, rời rạc, phát huy hiệu quả kém, đôi khi lãng phí, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn kiến nghị cần có cơ chế lồng ghép cụ thể thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có như vậy, nguồn lực mới được tập trung để xây dựng nông thôn mới. 
Đưa ra các biện pháp giải pháp để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị các địa phương để xảy ra tình trạng này cần có kiểm điểm, đánh giá cụ thể để tìm cách khắc phục. Tỏ ý không đồng tình với giải pháp ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, đại biểu phân tích điều này sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các xã thực hiện nghiêm túc và các xã, phường làm ẩu, làm bừa, dẫn đến tình trạng không thanh toán được nợ đọng. Đây là vấn đề Quốc hội và Chính phủ cần có giải pháp cụ thể - đại biểu đề xuất. 
Để giải quyết vấn đề này, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản. Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn. Bổ sung tiêu chí về nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc thẩm định và xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau khi có Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, cần làm rõ để xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã để xảy ra nợ đọng. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai qui định trong thực hiện Chương trình... 
Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần sát với yêu cầu thực tế 
Quan tâm đến việc thực hiện bộ tiêu chí về nông thôn, nhiều đại biểu đánh giá Bộ tiêu chí còn nhiều điểm bất cập. Mặc dù đã được sửa đổi nhưng một số tiêu chí, chỉ tiêu như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, nghĩa trang vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; những bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số tiêu chí: tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, thực hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Lại Xuân Môn phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Nhằm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sát với yêu cầu thực tế, tránh tình trạng các địa phương chạy theo thành tích, đại biểu Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp, khả thi. Theo đó, nên phân thành hai loại tiêu chí: cứng và mềm. Đối với tiêu chí cứng, thống nhất trong cả nước để các địa phương thực hiện, như: xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, quốc phòng an ninh, y tế giáo dục... Tiêu chí mềm cần thiết phải xây dựng dựa trên sự điều chỉnh, phát huy tính chủ động, tùy theo điều kiện của từng địa phương. Đại biểu nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào chất lượng không chạy theo số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, nghĩa là xây dựng nông thôn mới phải tạo ra được phương thức sản xuất mới, sinh kế mới; người nông dân phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. 
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hồng Vân cho rằng đối với các xã khó khăn, nhất là các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương, việc phấn đấu để đạt chuẩn 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi.

Do vậy, Chính phủ cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước; điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực hiện, đảm bảo vai trò chủ thể của người dân trong cộng đồng, trong xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển hài hòa, bền vững. Song song đó, Chính phủ cần thống nhất mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, đường giao thông, trường học, nước sạch sinh hoạt. 
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục