Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV: Đối diện thách thức khi tái cơ cấu nền kinh tế

20:43' - 20/10/2016
BNEWS Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã chỉ rõ giai đoạn 2011-2015 tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngay như kết quả thực hiện tái cơ cấu trong 3 quý đầu của năm 2016 vẫn tiếp tục cho thấy nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn của nền kinh tế chưa tạo sự vững chắc cần thiết để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Bởi vậy, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cần thiết phải được xây dựng một cách bài bản.

Ghi nhận của phóng viên BNEWS/TTXVN trong ngày làm việc đầu tiên (20/10) tại Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV cho thấy nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ quan điểm này.

Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh:

Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế Trong đề án tái cơ cấu mới đã nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm với 10 nhiệm vụ cụ thể để triển khai tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng đảm bảo được kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và chất lượng tăng trưởng được tập trung quan tâm; trong đó, các yếu tố như đẩy nhanh được chất lượng, năng suất lao động và đặc biệt hơn là hiệu quả trong đầu tư là rất quan trọng, đại biểu nhấn mạnh.

“Tôi quan tâm tới một số nội dung được đề cập trong đề án này, bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, chúng ta còn tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Đây là một nội dung mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, bởi nợ công của ta tăng nhanh; trong đó vấn đề về cơ cấu trong chi ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiền thuế của dân một cách hiệu quả, tiết kiệm”, ông Trần Hoàng Ngân phân tích.

Đặc biệt hơn, đại biểu này cho rằng, trong đề án đã đề cập đến một vấn đề mà trước đây chưa có là làm sao nâng cao được tính tự chủ trong nền kinh tế Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là phải tập trung các giải pháp phát triển được các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể để đảm đương vai trò.

Khi kinh tế nhà nước giảm dần thì kinh tế tư nhân phải lớn lên, nếu không sẽ buộc phải nhường lại phần đó cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là một nội dung mà ông Ngân đặc biệt tâm đắc.

Bên cạnh đó, đề án này cũng bàn sâu đến phân bổ nguồn lực.

Khi nguồn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào những khu vực tiềm năng thì sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế, tránh đầu tư dàn trải như trước đây đã vấp phải.

Chính những hạn chế trước đó đã dẫn đến đầu tư công lớn, nợ công tăng nhanh nhưng kinh tế tăng trưởng chậm.

Chính phủ đã đưa ra rất nhiều các giải pháp, đặc biệt hơn là quy định nhiệm vụ cụ thể của từng ban, ngành, địa phương để triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ.

Trong giải pháp lần này, Chính phủ còn đưa ra 3 kịch bản, tức là đã lường trước những khó khăn, thách thức.

Do nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng, rất dễ bị tác động bởi sự biến động của nền kinh tế xã hội của thế giới nên việc Chính phủ đưa ra 3 kịch bản là rất hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội:

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Chính phủ đã rất quyết tâm, đó là nhận xét của đại biểu Hoàng Văn Cường.

Mặc dù tốc tăng trưởng kinh tế nói chung không tăng, vẫn thấp nhưng thu ngân sách vẫn đạt và vượt chỉ tiêu chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang được cải thiện. Tiếp tục đầu tư và tạo môi trường tốt để tiếp tục tăng trưởng là hướng đi đúng đắn.

Thời gian qua rất dễ dàng nhận thấy các tác động rất lớn từ những chính sách của Chính Phủ, đặc biệt về cải cách môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, giúp nhóm kinh tế này phát huy hiệu quả.

Kể từ quý III/2016, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn, doanh nghiệp tái trở lại hoạt động cũng có xu hướng tăng lên.

Đó là tín hiệu tốt ghi nhận điểm ưu việt của chính sách đã đi vào cuộc sống, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì và phát triển bền vững - ông Cường phân tích.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập nhưng chưa rõ nguyên nhân nội tại khiến tăng trưởng kinh tế chậm.

Năm 2016, hàng loạt lý do khách quan được viện dẫn như thiên tai, môi trường, khủng hoảng kinh tế...

Tuy nhiên, đấy chỉ là yếu tố nhất thời chứ tăng trưởng chậm, hiệu quả thấp còn xuất phát từ yếu tố nội tại nền kinh tế. Nguyên nhân chính là tái cơ cấu chậm, hiệu quả đầu tư không cao.

“Một khi đang vướng phải ngưỡng đầu tư công cao, không thể tăng đầu tư công, không tăng vốn đầu tư nữa thì ngay lập tức nền kinh tế tăng trưởng chậm. Đó cũng chính là hạn chế của nền kinh tế trước đây khi mà chủ yếu dựa vào vốn. Khi bỏ mô hình đó, chuyển sang mô hình tăng trưởng hiệu quả nhưng lại phải đầu tư công, đương nhiên hiệu quả thấp xuống. Đó là điều mà chính phủ phải nhìn nhận ra để có quyết tâm cao hơn và cân nhắc trong điều hành nếu muốn đạt các mục tiêu đề ra” - ông Cường nhận xét./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục