Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Lấy chính sách tạo “bệ phóng” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

14:56' - 09/11/2016
BNEWS Tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn.

Tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh là một trong những nhiệm vụ khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội Khóa XIV.

Phóng viên BNEWS đã ghi nhận ý kiến các đại biểu xung quanh dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang): Tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN

Doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Lần này, Quốc hội rất quan tâm thảo luận về chính sách hỗ trợ DNNVV.

Vừa qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để khu vực này vươn lên mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, cũng phải xét lại những chính sách mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua bởi các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Bởi vậy, Luật Hỗ trợ DNNVV mang ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển. Luật này rất cần được ban hành trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Luật lần này đã kế thừa các chính sách đã ban hành trước đây và bổ sung các chính sách mới nhằm tạo nguồn lực mạnh cho doanh nghiệp.

Dự thảo Luật có rất nhiều cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất của doanh nghiệp là vấn đề đất đai, vốn thì trong luật lần này đã quan tâm tháo gỡ những vấn đề đang tồn tại. Mặc dù vậy, tiêu chí để xác định DNNVV thì vẫn chưa phù hợp.

Tiêu chí trong Luật đã sử dụng cách đây trên 10 năm thì điều kiện sản xuất của doanh nghiệp cũng như điều kiện nền kinh tế của Việt Nam đã khác so với giai đoạn hiện nay.

Bởi vậy, nếu vẫn xác định quy mô vốn và lao động như trước đây thì không có ý nghĩa như giai đoạn hiện nay áp dụng.

Do đó, xương sống của dự thảo Luật lần này phải xác định tiêu chí mang tính đại diện, phù hợp với giai đoạn hiện nay, giúp cho đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ đều nằm trong nhóm đúng đối tượng.

Ví dụ như tại An Giang, địa phương đã rà soát các doanh nghiệp theo các tiêu chí như dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội thì số lượng doanh nghiệp nằm trong nhóm DNNVV không có nhiều.

Đây là yếu điểm mà dự thảo Luật cần phải nghiêm túc xác định lại tiêu chí một cách phù hợp hơn, mang tính đại diện để DNNVV đều có thể tiếp cận được các cơ chế chính sách.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng): Cần có môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng-TTXVN

Hiện nay chúng ta không thể hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển như chúng ta nghĩ vì đã có cam kết WTO, TPP và các hiệp định thương mại tự do khác với Hàn Quốc, Nhật, EU...

Việc chúng ta nghĩ là phải hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, DNNVV bằng vật chất trực tiếp là rất khó.

Điều duy nhất có thể là tạo ra môi trường bình đẳng giúp các doanh nghiệp được cạnh tranh lành mạnh.

Đó chính là tạo ra một môi trường bình đẳng giữa các loại hình kinh tế như: giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân; giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và chưa được cổ phần hóa. Việc làm này chính là cân đối lại để không phân biệt đối xử.

Số liệu thống kê 9 tháng năm nay cho thấy, lượng doanh nghiệp thành lập mới đã vượt con số 81.000 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp đang tạm dừng và quay trở lại hoạt động cũng lên tới hơn 20.000 đơn vị. Điều này cho thấy, những cải cách thể chế của chúng ta đang dần có hiệu quả. Niềm tin của doanh nghiệp vào cơ chế chính sách đã tăng lên nhiều. Những người có khả năng và nhu cầu có thể yên tâm thành lập những doanh nghiệp mới.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Để chính sách là bệ đỡ

Hiện khung khổ pháp lý và chính sách vẫn chưa thực sự là bệ đỡ để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân nên việc sửa đổi pháp luật về kinh doanh là rất quan trọng, nhất là việc sớm ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV.

Các DNNVV rất cần có những biện pháp hỗ trợ để giúp họ khắc phục bất lợi là quy mô nhỏ.

Hiện các chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này đang được Quốc hội xem xét để xây dựng, tuy nhiên không phải ngày 1 ngày 2 mà phải là một quá trình liên tục. Các luật liên quan đến môi trường kinh doanh phải được điều chỉnh liên tục cho phù hợp; đặc biệt là các chương trình hỗ trợ DNNVV phải được thể chế hóa theo chuỗi giá trị.

Đây là một khối lượng công việc đồ sộ cần phải thực hiện một các đồng bộ trong thời gian tới.

Gần đây Chính phủ cũng có rất nhiều chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, tuy nhiên nâng cao chất lượng khởi nghiệp là một yêu cầu quan trọng.

Hiện Chính phủ đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tôi hy vọng rằng các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trong các lĩnh vực được coi là lợi thế của Việt Nam cần đẩy mạnh để thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo.

Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp cần chú trọng đến kinh tế hộ gia đình.

Họ đang là chủ thể chủ yếu nhưng nếu không giúp họ gắn kết được với chuỗi giá trị toàn cầu thì vẫn không thể phát triển được.

Việc liên kết các hộ, DNNVV để tạo thành các chuỗi giá trị, hệ thống… đang là một yêu cầu rất quan trọng.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần hướng vào khu vực này, gắn kết lại với nhau thành một hệ thống.

Thực hiện mục tiêu có hơn 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, một trong hướng đi hiệu quả là thúc đẩy các hộ kinh doanh.

Hiện chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh và cần để các hộ này chuyển sang đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Muốn vậy, các cơ chế chính sách, thủ tục thành lập… cần đơn giản hơn nữa; đặc biệt là chính sách thuế cần hỗ trợ để chuyển được các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, hoạt động trong khu vực chính thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục