Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Nhiều vấn đề “nóng” chờ Bộ trưởng Công Thương “hóa giải”

13:25' - 15/11/2016
BNEWS Ngày 15/11, trong phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn.
Toàn cảnh phiên chất vấn tại hội trường. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Hàng loạt các vấn đề “nóng” được chất vấn như: phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả cũng như một số quyết định đầu tư chậm triển khai gây thất thoát, lãng phí; thủy điện xả lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân; nạn phân bón giả vẫn hoành hành gây hậu quả cho sản xuất nông nghiệp….

Bên lề kỳ họp, phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội xung quanh các nội dung đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau): Đồng tình với “lời hứa” sai đến đâu, xử lý đến đó

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng-TTXVN

Đây là phiên chất vấn đầu tiên theo hình thức mới, tôi đánh giá cao về hình thức chất vấn lần này. Đã có nhiều đại biểu tranh luận lại với Bộ trưởng khi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Với khoảng 7 tháng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nắm giữ cương vị mới thì các vấn đề chất vấn lần này là rất “nóng”.

Bộ trưởng đã cố gắng làm rõ các vấn đề và cách giải quyết, nhất là lần đầu tiên trả lời trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần có thêm các Bộ trưởng khác trả lời bổ sung phần chất vấn thì mới làm rõ hơn được vấn đề.
Liên quan đến vấn đề thua lỗ tại nhiều công trình, dự án, Bộ trưởng đã trả lời có những vấn đề khi thực hiện là một quá trình dài.

Để xảy ra tình trạng đó, cách giải quyết và quy trách nhiệm cũng được Bộ trưởng “hứa” sai đến đâu thì xử lý đến đó sau khi các cơ quan như Thanh tra nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính… vào cuộc.
Tôi cho rằng, không riêng gì Bộ trưởng hứa như vậy bởi sai ở đâu thì chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc.

Trên tinh thần đó, tôi cho rằng Bộ trưởng trả lời khẳng định như vậy là thể hiện bản lĩnh chính trị, mình sẽ làm được các bước cùng với các ngành chức năng.
Để giảm thiểu các tình trạng tương tự, tôi cũng cho rằng với trách nhiệm của mình phải quyết tâm chính trị cao để làm sao trong nhiệm kỳ của mỗi Bộ trưởng khi được giao các công trình, dự án có sử dụng vốn nhà nước thì đừng để xảy ra những trường hợp tương tự.

Có thể thấy các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng là thiệt hại rất lớn cho nhà nước.
Tôi kỳ vọng, với trách nhiệm của từng Bộ trưởng, từng lãnh đạo địa phương, khi được giao đồng vốn của nhà nước để làm chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm giám sát từng đồng vốn của nhà nước.

Từ đó, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các chương trình giám sát.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có trách nhiệm thường xuyên giám sát các công trình dự án trọng điểm này, từ đó mới có thể giải quyết được vấn đề.

Đại biểu Lê Viết Chữ (Đoàn Quảng Ngãi): Đã chỉ ra các “lỗi”

Tôi cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới nhận cương vị mới được khoảng 7 tháng và với thời gian ngắn mà nắm vấn đề để giải quyết được như vậy là có tinh thần trách nhiệm.
Nội dung Bộ trưởng trả lời, tôi tâm huyết các vấn đề như dự án đầu tư của Tập đoàn, công ty mà thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương đã chỉ ra 2 nhóm lỗi về quyết định đầu tư và tổ chức vận hành.
Trong lỗi quyết định đầu tư thì quan trọng nhất là chủ đầu tư (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình trong quá trình khảo sát, tính toán, đo đạc…

Đại biểu Lê Viết Chữ (Đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đối với Bộ Công Thương là các thể chế liên quan thẩm định. Theo tôi, đến một lúc nào đó, không cần các cơ quan nhà nước thẩm định các dự án mà để cho Hội đồng quản trị hoặc các tổ chức tín dụng cho vay tiền thẩm định thì sẽ khách quan, trung thực hơn.

Tuy nhiên, nếu tách quản lý nhà nước ra khỏi điều hành, như vậy đòi hỏi sửa đổi về mặt pháp luật, thể chế để tách quản lý nhà nước với quản lý ngành.
Tôi cho rằng, để hạn chế thiệt hại trong đầu tư thì phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư.

Người chủ đầu tư là người sở hữu vốn và chịu trách nhiệm của dự án. Khi đó, chỉ cho khảo sát, phê duyệt dự án khi thấy dự án đó phù hợp với tình hình kinh tế thị trường, chiến lược phát triển và đáp ứng các yếu tố của thị trường.
Nếu không giao trách nhiệm cụ thể cho chủ đầu tư hoặc cấp thẩm quyền cao hơn thì trách nhiệm sẽ bị đùn đẩy khi xảy ra sự việc.

Tại Quảng Ngãi, đối với vốn nhà nước, chúng tôi kiên quyết không đầu tư các dự án kém hiệu quả và chỉ ưu tiên các dự án cấp bách, an sinh xã hội. Đối với các dự án khác mà doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp muốn làm thì nên khuyến khích.

Như vậy, mới hiệu quả và làm rõ trách nhiệm của họ. Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải vì sẽ khó kiểm soát, gây thất thoát…

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình): Hậu quả từ xả lũ, không thể để lặp lại

Những nội dung trả lời đầu tiên của phiên chất vấn vẫn chưa đi vào trọng tâm mà cử tri và đại biểu nêu ra. Cụ thể là về việc thủy điện xả lũ chưa làm hài lòng người đặt câu hỏi lẫn đại biểu ngồi dự.
Câu trả lời cần tìm ra nguyên nhân đích thực của việc xả lũ còn sai sót ở khâu nào mà lại gây hậu quả và tổn thất nặng nề cho người dân đến vậy. Cần đi thẳng vào nội dung đó và có giải pháp, cách xử lý.
Đây là những việc không thể để xảy ra đến lần thứ 2 vì hậu quả của nó cũng như hậu quả của tai nạn giao thông.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp khắc phục chứ không thể bây giờ mới đem về bàn, rồi tính toán, xem lại quy trình…
Nếu quy trình xả lũ có vấn đề thì phải làm lại ngay. Nếu quy trình không đảm bảo đúng thì lỗi ở đâu, người soạn thảo hay người phê duyệt. Bộ cần nhận trách nhiệm nếu việc phê duyệt quy trình không đảm bảo các điều kiện cần tối thiểu cho việc đảm bảo an toàn khi vận hành hồ chứa, hồ đập.
Để an toàn thì người quản lý bên trên, cấp Bộ, cấp trung ương là rất quan trọng; đòi hỏi phải có sự bao quát hết các nội dung để không xảy ra sai sót dù nhỏ nhất.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định đúng quy trình nhưng sai sót vẫn xảy ra. Rõ ràng trách nhiệm của Bộ phê duyệt quy trình chưa chuẩn, chưa rà soát hết các tình huống xảy ra.
Khi cảnh báo cho người dân thì phải tính đến các yếu tố trong điều kiện nào, thời gian bao lâu. Điều kiện của mỗi địa phương lại có những cách thông báo, thời gian rất khác nhau tùy thuộc địa hình. Khu vực rừng núi, thông tin liên lạc khó khăn… phải khác với điều kiện đồng bằng.

Tất cả những yếu tố này phải dự báo được trong quy trình. Bởi vậy, quy trình xả lũ cần sửa ngay, xác định lỗi ở đâu, do ai… Cần có trả lời rõ ràng thì đại biểu và cử tri mới yên tâm.
Khi Bộ trưởng trả lời cần đi kèm theo lời hứa, thời gian nào khắc phục được tồn tại này.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội nếu có ra Nghị quyết cũng nên ghi rõ các Bộ trưởng, trưởng ngành nào hứa giải quyết các tồn tại của lĩnh vực đó bao giờ được khắc phục để sau này còn quy trách nhiệm; tránh tình trạng trả lời năm nay thế này nhưng năm sau đó lại diễn ra.
Điển hình là vấn đề phân bón, đến nay đã được đưa ra chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng vẫn không giải quyết được. Như vậy, hiệu quả vẫn chưa đạt được.

Mong muốn của đại biểu cũng như cử tri khi đặt câu hỏi chất vấn là sớm được giải quyết vấn đề đó. Như vậy mới tạo được niềm tin của người dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Cần thêm thời gian mới thấu đáo được các nội dung chất vấn

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

Thời gian trả lời không đủ cho Bộ trưởng. Có những vấn đề muốn trả lời thấu đáo, đầy đủ thì cần rất nhiều thời gian. Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng muốn dành thời gian cho những câu hỏi khác và vấn đề khác.

Đây cũng là nghệ thuật của người trả lời chất vấn khi thời gian không có nhiều. Cố gắng trả lời ý cơ bản đáp ứng bức xúc nhất.
Ví dụ như đối với các dự án lớn thua lỗ, người ta quan tâm và muốn biết xem có điều tra xử lý hay không, cách khắc phục thế nào thì Bộ trưởng lại vẫn chưa trả lời cụ thể.

Tuy nhiên, Bộ trưởng có thể công bố việc đang xem xét, sẽ báo cáo cho người chất vấn để cung cấp cho cử tri thì sẽ yên tâm hơn.

Bộ trưởng cứ giải thích về nguyên nhân nhưng cuối cùng không chốt lại có xử lý hay không thì cả người chất vấn lẫn cử tri đều chưa thỏa mãn.
Tôi rất thông cảm vì Bộ trưởng mới nhậm chức chưa đầy năm. Bởi vậy, có những vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng cũ. Tuy nhiên, vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương thì dù cũ nhưng Bộ trưởng mới vẫn có trách nhiệm phải giải quyết. Nếu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “ngại” khi nói về trách nhiệm của người cũ nhưng cũng nên khẳng định lại Bộ trưởng hay Chính phủ đương nhiệm sẽ có giải pháp giải quyết những tồn tại.
Về quản lý nhà nước và định trách nhiệm giữa Bộ với các Tập đoàn, nếu vấn đề đó đang có sơ hở, bất cập thì Chính phủ hay Bộ trưởng đương nhiệm vẫn phải chịu trách nhiệm khắc phục những bất cập đó. Điều này cần được khẳng định và sẽ làm hài lòng cử tri./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục