Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Trao thêm cơ hội phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

17:19' - 09/11/2016
BNEWS Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XII.
Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được đánh giá là cần thiết. Ảnh minh họa:TTXVN

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) được đánh giá là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với với đại biểu Lê Quân - Đoàn Hà Nội xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã xác định phát triển DNNVV, lấy khối kinh tế tư nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Lê Quân: Chính phủ nhiệm kỳ mới mong muốn có một Chính phủ kiến tạo, mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp. Chủ trương của Chính phủ là phát triển DNNVV, lấy kinh tế tư nhân làm động lực là chủ trương đúng. Khi phát triển kinh tế tư nhân thì phải phát triển DNNVV.

Kinh doanh trong bối cảnh hiện nay thì hộ gia đình hay các kiểu kinh doanh nhỏ lẻ cũng dần dần phải hình thành pháp nhân để đảm bảo kinh doanh minh bạch và đóng góp thuế; đảm bảo lợi thế cạnh tranh và quyền lợi của khách hàng.

BNEWS: Việc khuyến khích các DNNVV được thể hiện ra sao qua dự thảo Luật vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, thưa ông?

Đại biểu Lê Quân: Luật hỗ trợ DNNVV nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn. Ngay từ dự thảo Luật đã có nhiều điểm tiến bộ, đưa ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ hỗ trợ kỹ thuật đến tài chính, hay điều kiện cần thiết như nguồn nhân lực.

Bên cạnh Luật hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự thảo sửa đổi 12 Luật có liên quan để làm sao thông thoáng các thủ tục, tạo điều kiện cho DNNVV trong hoạt động kinh doanh. Nhưng, trên thông lệ quốc tế, đối với DNNVV, sự hỗ trợ tài chính không quan trọng bằng hỗ trợ kỹ thuật và không nhất thiết nhằm vào 3 năm đầu.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân, đoàn Hà Nội. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Hỗ trợ không phải là đưa dồn việc cho các Bộ, ngành để triển khai thành đề án hay cố gắng cân đối ngân sách cho hỗ trợ mà phải phát huy được vai trò hiệp hội và phòng công nghiệp thương mại cũng như hệ thống hỗ trợ DNNVV.

Hiện nay, hệ thống Luật hỗ trợ DNNVV cần tăng cường rà soát bổ sung phạm trù quan trọng mà các quốc gia phát triển đã làm rất tốt, đó là hệ thống hỗ trợ DNNVV. Đây chính là 1 cấu phần rất quan trọng của hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp.

Nó sẽ giúp trả lời được câu hỏi khi doanh nghiệp nhỏ muốn khởi nghiệp thì phải tìm đến đâu để được hỗ trợ về tư vấn tài chính, kế toán, pháp lý, thiết kế xây dựng đề án, cách tiếp cận các nguồn lực, vốn vay.... Hiện cách tổ chức hệ thống hỗ trợ các DNNVV của Việt Nam vẫn chưa phù hợp lắm.

BNEWS: Vậy theo ông, cần thay đổi thế nào?

Đại biểu Lê Quân: Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các địa phương cũng có Trung tâm xúc tiến đầu tư, Trung tâm xúc tiến hỗ trợ DNNVV... nhưng các trung tâm này hoạt động mang tính chất bao cấp và hành chính nhiều nên chưa thực sự hiệu quả.

Tại các quốc gia khác, mỗi địa phương, mỗi vùng đều hình thành những Phòng Công nghiệp Thương mại tương đối độc lập và có vai trò hỗ trợ cho chính cộng đồng doanh nghiệp của địa phương đó. Vai trò cao hơn Hội, Hiệp hội và mang tính chất của 1 tổ chức ổn định, có hoạt động kinh doanh riêng. Đó là kinh doanh các dịch vụ để hỗ trợ cho DNNVV trong địa bàn của họ. Mô hình này rất phù hợp.

Cần nhìn lại cơ cấu tổ chức của hệ thống hỗ trợ DNNVV tại dự thảo luật lần này bởi cách tiếp cận chưa thoát hết, nhất là việc lấy thị trường làm trung tâm, bắt tín hiệu thị trường để hỗ trợ.

Cần phải hỗ trợ trực tiếp vào doanh nghiệp mà người ta đào tạo phát triển nguồn nhân lực của họ, nếu người ta tham gia sử dụng dịch vụ. Khi đó quyền được chọn dịch vụ đến từ doanh nghiệp được nhận thụ hưởng đó chứ không phải doanh nghiệp trung gian cấp dịch vụ đó.

BNEWS: Những lo lắng về sự “ưu ái” sẽ được giải quyết ra sao thưa ông?

Đại biểu Lê Quân: Trên thực tế, không hẳn các doanh nghiệp nhà nước đã được “ưu ái” hơn. Về chính sách, DNNVV cũng được rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, vấn đề không đến từ việc hỗ trợ chính sách mà đến từ yếu tố cơ hội.

Phải làm sao giúp cho DNNVV có cơ hội tham gia hoạt động đầu tư. Nếu có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước, họ đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực thì cơ hội của DNNVV sẽ bị thu hẹp rất nhiều bởi họ có nhiều Công ty con để hỗ trợ hoạt động đó.

Ví dụ như công ty trong lĩnh vực nước giải khát chẳng hạn. Họ vừa đầu tư sản xuất nước giải khát, đồng thời, đầu tư cả công ty sản xuất bao bì... Còn nếu theo nguyên lý thị trường, thường thì các công ty tư nhân, công ty lớn, họ chỉ tập trung vào lĩnh vực chủ chốt; còn lại là dùng nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Khi giải quyết tốt bài toán cho doanh nghiệp nhà nước thì họ sẽ không đầu tư vào các lĩnh vực đó nữa, chỉ tập trung vào lĩnh vực chính.

Khi ấy mới tạo được cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân làm. Với doanh nghiệp tư nhân, nếu đầu tư vào lĩnh vực đó thì sẽ chọn cách kéo theo nhiều doanh nghiệp vệ tinh nhỏ khác cùng tham gia và giúp họ phát triển hơn.

Bởi vậy, vấn đề quan tâm số 1 là nên tái cấu trúc khu vực đầu tư công để tạo cơ hội nhường sân đầu tư đó cho các DNNVV bước chân vào. Đấy cũng chính là cách tạo cơ hội đầu tư và thu hút vốn trong dân.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục