Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Xây dựng các chỉ tiêu kinh tế sát thực tế hơn

15:48' - 22/10/2016
BNEWS Trong phiên thảo luận tổ ngày 22/10 tại Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội Khóa XIV, một số đại biểu đề xuất Chính phủ cần xây dựng các chỉ tiêu kinh tế sát thực tế hơn nữa.
Phiên thảo luận tổ ngày 22/10 tại Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong phiên thảo luận tổ ngày 22/10 tại Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu tập trung vào nội dung tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, kết quả cũng như việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, 2017. Một số đại biểu đề xuất Chính phủ cần xây dựng các chỉ tiêu kinh tế sát thực tế hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Đoàn Ninh Bình): Thu ngân sách phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế

Các chỉ tiêu về tài chính phản ánh thực trạng, sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt là con số thu ngân sách. Trong 9 tháng năm 2016, đã có 11/13 chỉ tiêu đạt nhưng 2 chỉ tiêu vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách thì lại chưa đạt.

Đó là tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu. Hai yếu tố này ảnh hưởng thu lớn nhất, tác động quyết định đến thu ngân sách nhà nước (NSNN). Nếu thu không đủ thì chi cũng rất khó khăn.

Trong 9 tháng, NSNN không thu đủ theo mốc tăng trưởng kế hoạch đặt ra là 6,7% mà mới chỉ đạt theo mốc tăng trưởng kinh tế khoảng 6,3%.

Việc dự báo chưa sát cũng gây khó khăn cho điều hành và phân bổ các khoản. Đây cũng là câu chuyện tồn tại nhiều năm và cần sớm khắc phục.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại tổ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hoạt động thu – chi ngân sách phản ánh thực trạng nền kinh tế nên cần phải có các giải pháp đan xen. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 5,9%.

Riêng quý 3, tốc độ tăng trưởng đã cao hơn quý 1 và 2 với khoảng cách gia tăng cao (khoảng 6,4%).

Tuy nhiên khi đạt mốc tăng trưởng này rồi thì nhiệm vụ của quý 4 vẫn còn rất khó khăn nếu không có giải pháp đột phá, cụ thể sâu sắc và quyết liệt.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7% và các chỉ số xây dựng đều chạy theo con số này, đặc biệt cân đối thu chi NSNN.

Quốc hội cũng có nghị quyết riêng về NSNN, tức là dù đạt con số thu hay không thì buộc dự toán vẫn phải chi. Đây là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm là phải gắn với phương án vay và trả nợ công. Giai đoạn 5 năm qua, Nghị quyết Đại hội Đảng và Quốc hội đều nhất trí con số tăng trưởng kinh tế từ 6,5 – 7%. Nhưng nhìn lại, 5 năm qua chỉ đạt có 5,9%.

Như vậy, tuy năm 2016 đạt đến hơn 6% nhưng bình quân giai đoạn vẫn chưa tới mốc 6%. Trên thực tế thì vẫn phải chi theo con số tăng trưởng kế hoạch dự kiến là 6,5 – 7% nên nợ công tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, việc chi đó đã đáp ứng vấn đề an sinh xã hội, giúp người dân ổn định sản xuất, nông nghiệp bứt phá, hỗ trợ nông nghiệp tháo gỡ khó khăn do thiên tai, đổi mới bộ mặt nông thôn…

Phân tích cụ thể khoản chi đầu tư có thể thấy khoản dành đầu tư để đồng bộ hệ thống hạ tầng. Đây là dòng tiền vay nước ngoài cùng với huy động sức dân. Tuy nhiên, điều đó đã khiến các khoản vay và nợ công lên tới hơn 18%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế (5,9%).

Đáng chú ý, trong bối cảnh tài chính năm 2011 – 2013, lãi suất lên tới 11-12% là khá cao và sẽ dồn toa đỉnh nợ vào các năm 2015, 2016, 2017.

Mặc dù một số khoản nợ đã cơ bản được giải quyết, tương đương 60-70 ngàn tỷ đồng nhưng nếu lãi suất cao như vậy mà không tính cách trả nhanh thì số nợ sẽ tiếp tục tăng.

Mức lãi này khiến sản xuất kinh doanh cũng khó chứ chưa nói là để đầu tư hạ tầng – lĩnh vực chỉ mang tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng): Giai đoạn tới không thể đặt cao chỉ tiêu xuất khẩu

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu giảm, công nghiệp chế biến tăng hơn năm trước 11,2%. Như vậy, hàng hóa của ta đã quay sang thị trường nội địa và không còn khả năng xuất khẩu. Do đó, năm 2017 không thể đặt cao chỉ tiêu xuất khẩu bởi nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Việt Nam mà phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Đơn cử như, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 6,7%, mục tiêu đặt ra là cả năm xuất khẩu đạt từ 6-7%. Con số này cho thấy, xuất siêu vẫn do khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là chính và như vậy, cơ cấu kinh tế sau 5 năm thực hiện vẫn thể hiện sự đổi mới chậm. 

Theo các báo cáo công bố, có 81 ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới với số vốn đăng ký khoảng 150 ngàn tỷ đồng… Tuy nhiên, con số này cần phải được nhìn vào thực chất bởi đó chỉ là con số đăng ký chứ chắc gì các doanh nghiệp đã rót đủ số vốn này.

Mấu chốt thực chất nằm ở chỗ có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động và có hoạt động phát sinh thuế, đóng góp cho NSNN, đấy mới là trọng tâm.

Tuy nhiên, những con số này lại chưa định được chính xác sức khỏe của doanh nghiệp mà điều này mới phản ánh chính xác tăng trưởng kinh tế như thế nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục