Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Xây dựng nông thôn mới giúp dân cải thiện cuộc sống

14:53' - 04/11/2016
BNEWS Bên lề kỳ họp Quốc hội, phóng viên BNEWS/TTXVN đã trao đổi với các đại biểu xung quanh việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn 2035 đã khẳng định, giải quyết đồng bộ các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số hạn chế cần giải quyết. Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Đoàn Thừa Thiên - Huế): Giúp người dân cải thiện cuộc sống

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới cần đạt mục tiêu tổ chức lại sản xuất, giúp cải thiện đời sống của người dân khu vực này, giúp họ có mức thu nhập ổn định và cao hơn. Chính phủ đã đánh giá lại toàn bộ thời gian thực hiện; xác định và cụ thể thêm về bộ tiêu chí để cho địa phương chủ động hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Đặc biệt, với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới rồi thì vẫn cần tạo động lực để khuyến khích người nông dân tiếp tục phát huy; chú ý xây dựng tiêu chí phù hợp từng vùng miền để tăng hiệu quả và có cơ chế khuyến khích rõ ràng.

Người nông dân cũng cần trực tiếp tham gia vào xây dựng nông thôn mới chứ Nhà nước không phải làm tất cả. Khi tất cả cùng đồng lòng, đồng thuận thì sẽ huy động được các nguồn lực phong phú và dồi dào, giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước dành cho chương trình này.

Thực tế, nhiều địa phương đã huy động được các doanh nghiệp tham gia trực tiếp. Vì vậy, nhà khoa học và nhà sản xuất cũng cần tham gia để có nhiều cải tiến ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Tất cả đều hướng tới mục tiêu làm cho đời sống người dân phải cao hơn, ổn định hơn, canh tác hiệu quả hơn.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước): Không nên quá nghiêng về cơ sở hạ tầng 

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2011-2015 đã đạt được những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi vượt bậc, hạ tầng, cơ sở văn hóa, y tế, trường học… được đầu tư nhiều hơn. Đời sống của người dân nông thôn được nâng cao hơn. Đến nay, đã có hơn 2.000 xã và 27 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, Chương trình vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai. Do nhận thức và nóng vội nên nhiều địa phương đã quá nghiêng về xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa đầu tư đúng mức cho phát triển sản xuất cũng như các mô hình sản xuất.

Đây mới chính là yếu tố giúp người dân cải thiện đời sống một cách rõ nét; nâng cao thu nhập. Vì vậy theo tôi, không nên quá nghiêng về cơ sở hạ tầng mà cần tập trung vào cải thiện đời sống của người dân, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tôi cho rằng, giải pháp đột phá nhất chính là tiêu chí số 13, đó là phát triển mô hình sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây mới là yếu tố quyết định, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới thời gian tới, đồng thời gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi nước ta vẫn còn hơn 80% dân số sinh sống ở vùng nông thôn. Đồng thời, nông nghiệp được đánh giá là trụ cột của nền kinh tế.

Do đó, việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp lúc này là cấp thiết và phải làm bằng được. Các giải pháp Chính phủ đưa ra không thiếu nhưng khâu tổ chức thực hiện cần phải được triển khai quyết liệt, đòi hỏi sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, cần sự đồng lòng của nông dân trong quá trình thực hiện, có như vậy chương trình mới thật sự phát huy hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Phải thay đổi về chất, xuất phát từ nội lực

 Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Xây dựng nông thôn mới không phải đơn thuần chỉ thực hiện những thay đổi bề mặt bên ngoài mà quan trọng nhất là muốn hình thành nông thôn mới cần phải xuất phát từ nội lực bên trong.

Điều này có nghĩa là phải do khả năng nội tại và đòi hỏi bức thiết, đặc biệt là phải phù hợp với vùng nông thôn đó. Như vậy mới thực sự mang lại một vùng nông thôn mới sống động, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Muốn phát huy nội tại, xây dựng nông thôn mới phải gắn với tái cơ cấu về kinh tế nông thôn; trong đó, lấy tái cơ cấu về nông nghiệp làm trọng tâm. Nếu vùng nông thôn chỉ phát triển về nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ thì rõ ràng những đòi hỏi về đầu tư cơ giới hóa, hạ tầng không trở thành bức thiết và bản thân người nông dân cũng tự làm được.

Nhưng với những vùng nông thôn phát triển với mô hình sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa tập trung thì đòi hỏi bức thiết nhà đầu tư phải cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng. Việc đó Nhà nước chỉ nên hỗ trợ cho nhà đầu tư về vốn vay còn tự nội lực nhà sản xuất ở vùng nông thôn đó sẽ phải đầu tư lên thêm hạ tầng, máy móc cơ giới hóa.

Điều này có nghĩa là Nhà nước và nhân dân cùng làm, tùy theo điệu kiện và nhu cầu thực tế. Khi đó sẽ hiệu quả xây dựng nông thôn mới sẽ cao hơn rất nhiều.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang): Chú trọng mô hình liên kết trong sản xuất 

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Chủ trương xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng của Đảng và Nhà nước, được cử tri và nhân dân cả nước đón nhận, ủng hộ nhiệt tình tham gia. Kết quả giai đoạn 5 năm qua cho thấy, các nguồn lực huy động từ sức dân đã đóng góp đáng kể vào thành công của Chương trình này.

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện đang đặt ra đòi hỏi phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, vấn đề liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, chuyển giao công nghệ cao để đáp ứng thị trường trong hội nhập và tiêu thụ nội địa theo nhu cầu của người dân và phục vụ xuất khẩu là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các địa phương phải có hướng giải quyết đồng bộ.

Thực tế cho thấy, trong liên kết hợp tác cần phải có giải pháp hỗ trợ đầu tư cho những Hợp tác xã thực hiện theo mô hình mới, theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Quá trình tổ chức thực hiện, mặc dù Luật này đã có hướng tiếp cận nhưng để đáp ứng hoàn thiện hợp tác xã theo cơ chế mới thì vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực, quy trình công nghệ, nhân lực vật lực và vốn.

Chỉ nói riêng về thành viên hợp tác xã, nếu muốn phát triển sản xuất lớn cần phải thu hút người dân hướng chung sức, đồng lòng, đưa công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần gắn kết lợi ích giữa các bên: người sản xuất, Hợp tác xã và thành viên viên./.

>>> Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục