Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Kiến nghị logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn

13:43' - 01/11/2017
BNEWS Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về phát triển ngành dịch vụ logistic; phát triển khoa học công nghệ; đưa rau, quả, hoa trở thành nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực...
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Kiến nghị logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về phát triển ngành dịch vụ logistic; phát triển khoa học công nghệ; đưa rau, quả, hoa trở thành nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực; các vấn đề văn hóa – xã hội như bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại tình dục đang gây bức xúc xã hội hiện nay, đạo đức văn hóa xã hội xuống cấp…

Cần quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội

Đề cập đến một vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay là tình trạng xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng chưa khi nào vấn đề xâm hại tình dục trẻ em lại phức tạp như thời gian vừa qua.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Số trẻ em bị xâm hại ở độ tuổi mẫu giáo ngày càng có xu hướng gia tăng; nhiều vụ xâm hại trẻ sau đó giết trẻ hoặc dẫn tới trẻ tự sát... tính chất rất nghiêm trọng nhưng có dấu hiệu bị bỏ lọt, rất khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm.

Theo đại biểu, gia đình vốn là hàng rào đầu tiên bảo vệ các em, nhưng từ thực tiễn các vụ việc cho thấy, chúng ta vẫn chủ yếu quan tâm theo cách truyền thống, mà chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị cho trẻ các kiến thức cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn.

Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình không báo với cơ quan có thẩm quyền, cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần.

Có trường hợp gia đình quyết tâm đưa vụ việc qua ánh sáng nhưng do thiếu hiểu biết hoặc do mất bình tĩnh dẫn đến việc thiếu chứng cứ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình chứng minh tội phạm và không đưa được kẻ phạm tội ra trước pháp luật.

Nhiều gia đình đã chọn giải pháp chuyển nhà, chuyển trường để hạn chế bớt tác động tới trẻ, còn kẻ phạm tội vẫn bình thản sống ngoài xã hội và tiếp tục là nguy cơ với các trẻ em khác.

Đại biểu Thủy nhìn nhận, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn hạn chế, chưa cập nhật với tình hình. Sách giáo khoa có rất ít nội dung này, đồng thời không ít giáo viên còn tâm lý e ngại cho nên chỉ truyền đạt vấn đề một cách chung nhất.

“Đã đến lúc ngành giáo dục nước ta cần quan tâm hơn nữa cho nội dung này. Giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại phải trở thành những bài học bổ ích và có tính bắt buộc ở quy mô quốc gia chứ không phải mạnh trường nào trường đó làm”.

Đại biểu Thủy kiến nghị thời gian tới sửa Luật Giám định tư pháp theo hướng cho phép gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám định ngay sau khi sự việc xâm hại xảy ra để lưu giữ chứng cứ, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Liên quan đến vấn đề văn hóa, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) nhìn nhận, văn hóa là gốc, là nền tảng đạo đức của con người, đạo đức xã hội.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Thực trạng đạo đức xã hội, đạo đức con người đang có biểu hiện xuống cấp, hiện tượng giết người để cướp của, con giết cha, vợ giết chồng, người dân khi bất đồng thì dùng dao đâm chém lẫn nhau làm cho xã hội bất an, người dân nhiều lo lắng.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đề cập đến vấn đề văn hóa chưa thỏa đáng, chưa thể hiện được những điểm còn tồn tại, những gì cần phải tập trung giải quyết, qua đó đạt được mục tiêu xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hóa và trong báo cáo của Chính phủ cần báo cáo rõ những nội dung này.

Đưa quả, rau, hoa trở thành nhóm hàng sản phẩm chủ lực

Từ thực tế đi thăm vùng đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ quét vừa qua, đặt câu hỏi “đến bao giờ đồng bào khu vực này có đủ khả năng tự xây dựng lại nhà cửa, trường học như cũ?”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng điều này sẽ hết sức khó khăn vì theo thống kê năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của vùng miền núi phía Bắc chỉ là 2,03 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ đủ chi tiêu hàng tháng, không thể có tích lũy.

Trong khi đó, ở các thành thị, thu nhập bình quân đầu người một tháng là 4,4 triệu đồng.

Thu nhập của bà con vùng núi phía Bắc chỉ bằng 46% của nhân dân ở vùng thành thị và thực tế thì gần 40% dân số ở thành thị thu nhập 4,4 triệu đồng/người, còn ở vùng nông thôn với khoảng 60% dân số, thu nhập chỉ khoảng 2 - 2,4 triệu đồng/người.

“Tình trạng này sẽ còn kéo dài... Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng thu nhập cho người dân nông thôn nói chung, đặc biệt ở vùng miền núi, khi mà quá trình công nghiệp hóa không thể diễn ra nhanh ở miền núi và nông thôn, cho nên việc năng suất chênh lệch, thu nhập chênh lệch còn kéo dài”, đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu, năm 2016, xuất khẩu dầu thô cả nước đạt 2,4 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt 2,15 tỷ USD, cà phê đạt 3,3 tỷ USD, thủy sản 7 tỷ USD và xuất khẩu quả, rau, hoa là 2,45 tỷ USD. Như vậy lần đầu tiên năm 2016, xuất khẩu quả, rau và hoa đã lớn hơn xuất khẩu dầu thô.

Nhìn lại lịch sử, năm 2005 xuất khẩu dầu thô là 7,3 tỷ USD, gấp 31 lần xuất khẩu rau quả lúc đó là 235 triệu USD.

Năm 2016, xuất khẩu dầu thô chỉ còn bằng 0,98 lần rau, quả, hoa.

Hàng loạt con số được đại biểu phân tích cho thấy tốc độ tăng trưởng các mặt hàng chính như dầu thô 5 năm giảm 900 triệu USD, cafe 5 năm không tăng giá trị xuất khẩu, thủy sản tăng bình quân là 5%/năm, riêng quả, rau, hoa tăng bình quân 30%/năm, dự báo đến năm 2022 giá trị xuất khẩu của lĩnh vực này là 9 - 10 tỷ USD, hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất.

Trong nhóm 12 sản phẩm chủ lực xuất khẩu, nông nghiệp đã có lúa gạo, cá da trơn, các sản phẩm từ nấm, cà phê, tôm nước lợ và sâm, còn các mặt hàng quả, rau, hoa chưa được coi là sản phẩm chủ lực quốc gia. Trong khi đó, 5 năm qua, các mặt hàng này đã chứng tỏ sự tăng trưởng vượt bậc và tiềm năng.

Từ các số liệu trên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những gợi ý cho việc giảm nghèo, tăng thu nhập của vùng miền núi.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề xuất “Chúng tôi suy nghĩ là Chính phủ xem xét để đưa nhóm hàng quả, rau, hoa trở thành nhóm hàng sản phẩm chủ lực của đất nước chúng ta”.

Cho rằng những sản phẩm này không cần cánh đồng lớn, từng khu vườn của bà con đã có thể trồng được, đại biểu kiến nghị đối với miền núi, đồng bằng, cần lựa chọn loại quả, rau, hoa phù hợp mỗi địa phương trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Cùng với đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia, đại biểu cho rằng phát triển các hợp tác xã nông thôn để trồng quả, rau, hoa xuất khẩu là một hướng khả thi góp phần giảm nghèo tương đối hiệu quả, bởi thị trường thế giới tiêu thụ rất lớn.

Dịch vụ logistics – ngành siêu lợi nhuận nhưng bị bỏ ngỏ

Dẫn thông tin từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: Tổng giá trị thị trường logistics Việt Nam tương đương từ 21-25% GDP quốc gia, lớn hơn rất nhiều so với ngành đóng góp nhiều nhất vào GDP quốc gia là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng dịch vụ logistics là một ngành kinh tế quan trọng, rất có điều kiện phát triển ở Việt Nam, là giải pháp trực tiếp góp phần tăng trưởng nhanh, bền vững GDP và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Nhưng thực tế, ngành logistics đóng góp rất ít, chỉ khoảng 2-3% vào GDP. Từ nhiều năm qua, ở nước ta, logistics được xem là một ngành siêu lợi nhuận nhưng bị bỏ ngỏ, do khoảng 80% thị phần trong tay các doanh nghiệp logistics nước ngoài”, theo đại biểu.

Phân tích của đại biểu Bình cho thấy, logistics là tất cả các dịch vụ tác động lên hàng hóa, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu và hàng hóa được sản xuất từ nhiều ngành khác nhau nên chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ logistics ảnh hưởng trực tiếp lên sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

Các nước tiên tiến đã chú trọng đầu tư vào logistics theo hướng giảm thiểu chi phí nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ở các nước này, chi phí logistics chỉ trong khoảng từ 7 đến 15% của GDP, trong khi đó ở nước ta, chi phí logistics ở mức rất cao, từ 21 – 25% GDP.

“Đây là yếu tố trực tiếp cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế nước ta. Vì thế, việc tập trung nâng cao hiệu quả dịch vụ và giảm chi phí logistics có ý nghĩa to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đại biểu Bình nói.

Theo đại biểu, nước ta ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không, nơi có những luồng hàng hóa chủ lực bậc nhất thế giới đi qua, hàng năm có trên 65 nghìn lượt tàu thuyền đi qua Biển Đông, chuyên chở khoảng 50% lượng dầu mỏ và hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới.

Bên cạnh đó, trong số 4 hành lang kinh tế của tiểu vùng Mekong, Việt Nam là đầu mối của ba hành lang hướng ra Biển Đông.

Đồng thời nước ta sở hữu những vị trí có thể xây dựng cảng biển nước sâu và sân bay trung chuyển quốc tế lý tưởng, cho thấy tiềm năng, lợi thế phát triển rõ rệt về logistics, có nhiều điều kiện để trở thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, năng lực vận tải biển nước ta rất yếu, nên thị phần dịch vụ logistics lớn nhất là vận tải biển chiếm 60% cơ cấu của logistics rơi vào tay các hãng tàu biển quốc tế.

Dịch vụ cảng chiếm 20% kết cấu logistics, thì những cảng đầu mối có lượng hàng thông quan lớn nhất của nước ta như cảng Cát Lái lại nằm sâu trong nội địa nên chỉ những tàu có trọng tải nhỏ dưới 25.000 tấn vào được.

Vì thế, 90% lượng hàng xuất nhập khẩu của nước ta phải trung chuyển qua một vài cảng lớn trong khu vực. Vì lý do này, các chủ hàng Việt Nam phải chịu chi phí ở cả cảng nội địa, cảng trung chuyển cộng thêm phí vận tải trung chuyển quốc tế.

“Tính sơ bộ, chỉ nắm hai khoản: Vận tải viễn dương và trung chuyển hàng hóa, các công ty nước ngoài đã chi phối gần 80% thị phần logistics Việt Nam, phần nhỏ bé còn lại 20% chia cho 1.300 doanh nghiệp logistics nội địa, trong đó có đến 72% là những doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính nhân sự và trình độ quản lý thấp, thực hiện các dịch vụ đơn giản nhất vận tải nội địa, cho thuê kho bãi, bốc xếp, thủ tục hành chính… Do vậy, đa phần doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài”, đại biểu tính toán.

Đánh giá logistics có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm ở nước ta, chất lượng dịch vụ logistics thấp và chi phí cao là do chúng ta chưa phát huy đúng những tiềm năng, lợi thế mạnh sẵn có, chứ không phải quá khó khăn, không làm được, đại biểu Bình kiến nghị Chính phủ thay đổi quan niệm về quản lý và phát triển logistics.

Chính phủ cần quản lý tập trung về logistics, có thể là thông qua Ủy ban quốc gia về logistics như một số quốc gia đã làm.

Cần quan niệm logistics là bài toán vĩ mô chứ không phải là nhiệm vụ riêng của từng địa phương bởi thực tế đang thiếu bàn tay điều hành trực tiếp ở cấp vĩ mô của Chính phủ nên các hoạt động logistics trở nên cục bộ, không hiệu quả.

Một ví dụ cụ thể là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng nước sâu Cái Mép chỉ khai thác được 19% công suất vì thiếu chân hàng, trong khi cảng Cát Lái của Thành phố Hồ Chí Minh không phải là cảng nước sâu, nằm sâu trong nội địa lại luôn quá tải.

Tiếp đến, cần gấp rút xác định vị trí xây dựng cảng trực tuyến quốc gia, đón tàu đi thẳng đến thị trường quốc tế, không qua trung chuyển.

Trước mắt khi chưa có cảng trực tuyến quốc gia, cần chú trọng khai thác cụm cảng nước sâu đã xây dựng nhưng đang thừa công suất vì thiếu chân hàng thông qua sự điều tiết của Chính phủ.

Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng, phát triển đội tàu viễn dương, giành lại thị phần vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài; xây dựng nhanh trục đường sắt hai chiều Bắc - Nam làm xương sống cho hệ thống logistics nội địa…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục