Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến trái chiều về phòng, chống tham nhũng

12:01' - 21/11/2017
BNEWS Các đại biểu cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả còn thấp.
Sáng 21/11/2017, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu góp ý và đưa ra nhiều ý kiến, trong đó có những ý kiến trái chiều về phạm vi điều chỉnh Luật sang khu vực ngoài Nhà nước, quy định về các đối tượng kê khai tài sản, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả còn thấp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Tuy nhiên, quy định dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ điều này. Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc là vấn đề mới, song đây là sự chờ đợi của người dân. Từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị ban soạn thảo tiếp thu và đưa vấn đề này thảo luận thấu đáo.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu góp ý và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến trái chiều về phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài Nhà nước, quy định về các đối tượng kê khai tài sản.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định về phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, dự thảo Luật quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như: thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Đối với tổ chức xã hội, dự thảo Luật quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như: thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”.
Tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu phạm vi điều chỉnh được quy định như trong dự thảo Luật thì sẽ không đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tế.
"Tính khả thi không đảm bảo bởi vì một mặt các đại biểu cho rằng cần thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản, nhưng mặt khác lại muốn mở rộng diện kiểm soát ra khu vực ngoài Nhà nước như vậy là mâu thuẫn. Quy định mà không khả thi, khi đưa vào luật rất khó đi vào thực tế".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hoàn toàn nhất trí việc cắt đứt được dây liên kết tham nhũng giữa khu vực Nhà nước và ngoài nhà nước, cắt nguồn tham nhũng. "Nhưng không có nghĩa là sử dụng "con dao" duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng để cắt sợi dây này. Mà cần có những quy định của các luật khác nhau. Chính vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc vấn đề này" - đại biểu Nhưỡng đưa ý kiến.
Từ đó, đại biểu Nhưỡng không tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài Nhà nước; kiến nghị nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu làm công chức và kiểm soát từ đó trở đi. Đại biểu nhấn mạnh đây mới là giải pháp quan trọng.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, nếu so sánh nội dung được đề cập trong phạm vi điều chỉnh và toàn bộ các quy định của dự thảo Luật thì đại biểu cho rằng Luật này không có tính khả thi. Vì vừa mâu thuẫn, chồng chéo, vừa không đầy đủ. Không đầy đủ khi dự thảo Luật hoàn toàn không đề cập đến phòng chống tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ; còn vấn đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân mới có một vài điều luật quy định, không đảm bảo tính khả thi.
Trong khi đó, nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sang khu vực ngoài Nhà nước và cho rằng việc này phù hợp với tình hình tham nhũng có sự liên kết giữa khu vực công và tư hiện nay, cũng phù hợp với các công ước quốc tế.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực tư. Đại biểu Hàm đánh giá đây là điểm nổi bật trong sửa đổi Luật, phù hợp với công ước quốc tế, các chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước. Nó thể hiện sự đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng khi phát triển kinh tế thị trường.
"Phát triển kinh tế thị trường thì khu vực tư lớn mạnh và khi một người, một nhóm người thuộc khu vực này được trao quyền lực, sử dụng quyền lực đó để vụ lợi thì cũng ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, của cộng đồng. Việc lợi dụng quyền lợi để vụ lợi cho khu vực tư về bản chất cũng không khác khu vực công. Nên cũng phải được coi là hành vi tham nhũng. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn chính sách. Nhiều khi đưa hối lộ hoặc thông đồng với cơ quan Nhà nước để tư lợi, gây thất thoát tiền, tài sản Nhà nước" - đại biểu Hàm nêu quan điểm.
Đại biểu Hàm cũng đồng tình việc dự thảo Luật tập trung phòng chống tham nhũng ở các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ, các tổ chức xã hội. Theo đại biểu, kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra ở các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người, và nếu tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh lần này cũng chỉ ở 4 loại hình tổ chức tư nhân nên không kìm hãm sự phát triển của khu vực tư và không cản trở việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước.
Do dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa phù hợp, còn những ý kiến trái chiều, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cần thảo luận về dự thảo Luật trong 3 kỳ họp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục