Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội

14:08' - 01/11/2017
BNEWS Giải pháp để thực hiện việc giải ngân đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội của tất cả người dân... là những nội dung được các đại biểu quan tâm bên lề phiên thảo luận sáng nay.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Giải pháp để thực hiện việc giải ngân đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội của tất cả người dân... là những nội dung được các đại biểu quan tâm bên lề phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, ngày 1/11.

Cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân đầu tư công

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đánh giá cao Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành đúng đắn để đạt được mức tăng trưởng khả quan trong điều kiện năm 2017 có nhiều thách thức do nền kinh tế thế giới biến động, đặc biệt là tình hình đất nước khó khăn bởi thiên tai, lũ lụt, gây tác hại lớn đến nền kinh tế. Càng về cuối năm, sự điều hành của Chính phủ có được những thành tích đáng ghi nhận, đạt 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nền kinh tế của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý như nợ công, nợ xấu, giải ngân vốn xây dựng cơ bản... đạt chậm trong 9 tháng qua. Đến thời điểm này, tình hình giải ngân mới đạt 50,3%, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của nền kinh tế.
Theo đại biểu, để thực hiện 13 chỉ tiêu theo dự kiến của Chính phủ, vấn đề lợi thế trong những tháng còn lại rất khó khăn. Do xuất nhập khẩu những tháng đầu năm chủ yếu là vốn FDI, nhưng những tháng cuối năm, dư địa này không cao.

Bên cạnh đó, áp lực thu ngân sách cũng rất chậm. Đến thời điểm này, ngân sách thu mới chỉ khoảng 95,2%.

Những áp lực này đòi hỏi Chính phủ tiếp tục phải nỗ lực để xử lý tốt những tồn tại, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Trái với lo ngại của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết về tình hình giải ngân đầu tư công còn chậm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng giải ngân đầu tư công là yếu tố quyết định lớn đến tăng trưởng kinh tế nhưng không hẳn tăng trưởng kinh tế phải phụ thuộc hoàn toàn vào giải ngân đầu tư công.

Bởi nhìn lại 9 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm nhất từ trước đến nay nhưng tốc độ tăng trưởng 9 tháng vẫn cao. Vì vậy không nên đặt vấn đề là phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Với các công trình, dự án phải hoàn thành, kinh phí đã có thì phải giải ngân để tránh tình trạng có tiền nhưng công trình không được triển khai. Chính phủ đặt ra yêu cầu giải ngân làm sao có hiệu quả, không phải giải ngân khối lượng lớn để tăng trưởng nhanh - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: Giải ngân có ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu dùng sức ép hành chính để giải ngân nhanh, có thể dẫn đến tình trạng "chạy" theo số lượng để hoàn thành, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Chất lượng, hiệu quả của công trình phải được kiểm soát chặt chẽ mới là vấn đề quan trọng.

Để giải ngân nhanh không phải bằng sức ép hành chính. Giải ngân nhanh là phải cải cách về quy trình, thủ tục hành chính để quá trình đề xuất, phê duyệt dự án nhanh hơn và những người chuẩn bị dự án phải bảo đảm tài liệu đầy đủ, tránh tình trạng hồ sơ trình lên phải chuyển đi chuyển lại. Vấn đề là giải quyết thủ tục chứ không phải dựa vào đó để tạo sức ép hành chính.

Bảo đảm an sinh xã hội của người dân

Thể hiện sự quan tâm đến các chỉ tiêu chăm lo đời sống an sinh xã hội của người dân, đại biểu Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) đề xuất để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là bảo đảm đời sống của nhân dân, trong đầu tư phát triển năm 2018, Chính phủ cần tập trung cho các công trình dự án lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần lưu ý đến việc phân bổ, dành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là những vùng còn rất nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện năm 2017 đã có nhiều hiện tượng thiên tai bất lợi, tạo ra khoảng cách khá lớn giữa phát triển kinh tế miền núi và đồng bằng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lưu Đức Long phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chính phủ cần nhìn nhận lại vấn đề này, bố trí nguồn lực cho phù hợp, nhất là những công trình, Đề án đã có trong các Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, đại biểu mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực y tế, bởi muốn phát triển bền vững phải chăm lo đến sức khỏe nhân dân nói chung.

Thời gian qua đã xảy ra một số dịch bệnh lớn, vì vậy Chính phủ cần rà soát lại những giải pháp đã triển khai, rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn còn tồn tại trong công tác y tế, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.
Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo. Phát triển bền vững không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà còn là những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, giáo dục đào tạo.

Như vậy, nhân dân và cử tri cả nước mới thấy được hiệu quả của sự tăng trưởng. Đó cũng là động lực, niềm tin của cử tri với Đảng, Nhà nước - đại biểu chia sẻ.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhận định, vấn đề tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp đang được coi là gánh nặng cho nền kinh tế, nhưng những năm qua Chính phủ lại không đưa vào chỉ tiêu chủ yếu.

Để nền kinh tế đi đúng mục tiêu, với chất lượng cao, Chính phủ nên đưa nội dung về thất nghiệp và giải quyết việc làm vào chỉ tiêu chủ yếu để có các giải pháp đồng bộ, giải quyết một cách căn cơ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục