Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Tham nhũng - vấn đề nhức nhối của quốc gia

20:23' - 06/11/2017
BNEWS Ngày 6/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng

Trong phiên làm việc ngày 6/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, các đại biểu quan tâm đến vấn đề “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm đã được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ ra, cũng như tình trạng tội phạm núp bóng doanh nghiệp để vi phạm pháp luật, vấn đề tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp để vi phạm pháp luật
Đề cập đến vấn đề tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp để vi phạm pháp luật, gián tiếp ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội đã được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đề cập trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng: Người dân được quyền tự do phát triển sản xuất kinh doanh, Nhà nước mong muốn có hàng triệu doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng hiện nay đã xuất hiện các hình thức núp bóng doanh nghiệp để vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an toàn trật tự.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu dẫn chứng: Các hình thức kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính hỗ trợ sinh viên, cho vay hỗ trợ học sinh “mọc ra như nấm” nhưng công tác kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp này làm rất “kín luật” nên cơ quan chuyên môn không làm gì được.
“Công ty tài chính hỗ trợ sinh viên cho vay một cách hết sức dễ dàng, không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần có một thứ giấy tờ khẳng định địa chỉ và con người ở đâu là sẽ được vay tiền. Việc gián tiếp để cho các cháu rơi vào tình trạng lô đề, cờ bạc, cá độ cũng xuất phát từ chuyện dễ dãi trong vấn đề quản lý đồng tiền của chúng ta”, đại biểu Bùi Văn Phương cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh: Không chỉ ở đô thị mà ở nông thôn cũng "náo loạn" chuyện xuất hiện các công ty tài chính, cho vay dễ dàng nhưng đến hạn không trả được nợ thì xã hội đen “giao gậy” đến tận nhà.
Chúng ta cấp phép đăng ký kinh doanh cho các công ty tài chính hoạt động nhưng các cơ quan chức năng chưa kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về kế toán, sổ sách, nhà nước thu được gì ở các công ty này, phải chăng lực lượng chức năng không biết hay là biết mà không làm tròn trách nhiệm..., đại biểu Bùi Văn Phương đặt vấn đề.

Lo ngại về kẽ hở này, đại biểu Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ vấn đề này, bên cạnh chấn chỉnh về mặt chuyên môn của lực lượng chức năng, cần có chính sách đặc thù với lực lượng hình sự đấu tranh trên mặt trận phòng chống tội phạm.
Tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm
Về khả năng bỏ lọt tội phạm qua việc tạm đình chỉ vụ án, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng theo báo cáo năm 2017 có hơn 12.130 vụ án đang được tạm đình chỉ (tăng 6,25% so với năm 2016). Trong số các vụ án tạm đình chỉ, có một số lượng đáng kể là đình chỉ theo căn cứ đã hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can.

Tổng số các vụ tạm đình chỉ chưa phục hồi điều tra trên phạm vi cả nước nhiều năm qua là rất lớn so với con số báo cáo. Nếu không tích cực điều tra để phục hồi điều tra, dẫn đến hết thời hiệu xử lý hình sự thì sẽ dẫn đến bỏ lọt một số lượng lớn tội phạm không bị xử lý.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Đại biểu thống nhất với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra, cần thiết thống kê tổng số vụ án, bị can đang bị đình chỉ điều tra tổ chức cho đến thời điểm báo cáo; phân tích các trường hợp sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm làm rõ các vụ án có căn cứ để khôi phục điều tra.
Cũng theo đại biểu Hùng, trong năm 2017, trong tổng số 45 vụ án do Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền công tố thì có đến 32 vụ án kinh tế tham nhũng bị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung chiếm tới 71,1%.

Việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, thậm chí là trả hồ sơ nhiều lần dẫn đến kéo dài tiến độ xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong đó, hầu hết đều là những vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì nhìn nhận, vừa qua đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, tạo được niềm tin ở nhân dân về quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do cơ quan điều tra Trung ương điều tra, xét xử. Toàn xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng ở cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý.
"Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì lại xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm" – đại biểu Hoàng Đức Thắng tâm tư. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để "hành chính hóa" các quan hệ hình sự, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ" mãi được.
Thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi
Cho rằng tham nhũng một vấn đề nhức nhối của quốc gia, là một hình thức tự diễn biến tự chuyển hóa và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại về kinh tế, suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, làm mai một niềm tin của nhân dân, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đánh giá: Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Việc làm này được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Thị Giang và các đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), tình hình phòng chống tham nhũng chưa thực sự mang tính đột phá, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi khó phát hiện và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.
Các đại biểu cũng cho rằng, phần lớn các vụ việc tham nhũng được phát hiện là do mất đoàn kết nội bộ, tranh giành địa vị, chạy chức chạy quyền không thành, do đơn thư tố cáo, nhân dân phản ánh, báo chí vào cuộc lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, kết luận và xử lý.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phân tích, việc thực hiện chế độ công khai minh bạch không được chấp hành nghiêm túc. Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót chứ không phải vi phạm pháp luật, mà thiếu sót thì chỉ ở mức rút kinh nghiệm, xin lỗi. Chính vì vậy mà việc chấp hành pháp luật không nghiêm.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), tham nhũng là hiện tượng biến tướng tiêu cực của quyền lực nhà nước, xảy ra với các mức độ khác nhau, ở bất kỳ quốc gia nào, chính thể nào. Vấn đề đặt ra là tình trạng “lưu manh hóa” của một bộ phận, một nhóm xã hội có thể dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội.

“Hiện tượng tham nhũng mà chúng ta vẫn nói là quốc nạn có phải là biểu hiện biện chứng của sự “lưu manh hóa” đó hay không là vấn đề đáng quan tâm để chúng ta tiếp tục nhận diện hiện tượng tham nhũng, tiếp tục nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay”, đại biểu đặt vấn đề.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề cập đến vấn đề tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức với khẳng định tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là có, thế nên dân gian mới kết luận “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.

Theo đại biểu, quy định về cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ dẫn tới tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Việc này cần phải chống, để tạo ra một đội ngũ cán bộ tốt, có đủ liêm chính để thực hiện nhiệm vụ. Nếu không làm tốt, sẽ tạo ra hệ lụy là thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện, bởi vì khi họ đã bỏ tiền ra để chạy chức, chạy quyền thì khi họ được giao quyền, họ sẽ tính “bài” thu lại và không cách nào khác, đó chính là cách tham nhũng tiếp theo.

Đại biểu đề nghị sửa Luật cán bộ, công chức, bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức để bổ nhiệm là so sánh các cán bộ nguồn. Việc bổ nhiệm theo các phương pháp này, nếu luật hóa sẽ không còn kẽ hở để tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản sau tham nhũng và cho rằng cơ quan công an điều tra, tòa án, viện kiểm sát có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà lại không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vừa qua vô cùng khiêm tốn, quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, báo cáo tổng kết 10 năm về công tác phòng, chống tham nhũng thì thiệt hại được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi lại thấp hơn rất nhiều so với tài sản bị chiếm đoạt.

Chỉ thu hồi được 7,82% về tiền, tài sản và 54,75% về đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, năm 2016 tỷ lệ thu hồi mới đạt 38,3%.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) thì đưa ra con số 92% số tiền tham nhũng bị "tẩu tán", không kiểm soát và thu hồi được. Theo các đại biểu, nguyên nhân chính là do trong các vụ án tham nhũng, người phạm tội thường là người có chức vụ, có trình độ, học vấn chuyên môn nhất định.

Vì vậy, việc phạm tội thường có sự chuẩn bị kỹ càng với nhiều thủ đoạn tinh vi và tài sản do phạm tội thường được giấu kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp, phần lớn khối tài sản tham nhũng đã được ngụy trang, chuyển đổi, hợp pháp hóa, thậm chí là sử dụng phần lớn tài sản chiếm được để tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn có khả năng khắc phục hậu quả.
Trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn đạt hiệu quả thấp. Đó là việc kê khai tài sản mới chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai; chưa có quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản thu nhập một cách chủ động; chưa có quy định công khai rộng rãi kết quả kê khai tài sản để người dân giám sát và chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản thu nhập của người dân nói chung và người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy cơ quan nhà nước nói riêng.

Ngoài ra thói quen sử dụng công cụ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến chính những điều này đã làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng trở nên rất khó khăn./.

>>> Củng cố lòng tin nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục