Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục

19:14' - 30/05/2018
BNEWS Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), do đó nhiều quy định không còn phù hợp hoặc chưa phản ánh được những nội dung mới về phát triển giáo dục và đào tạo.

Trong ngày 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục, dự án Luật Giáo dục đại học.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), do đó nhiều quy định không còn phù hợp hoặc chưa phản ánh được những nội dung mới về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chưa đồng bộ với hệ thống văn bản luật mới được ban hành.
Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đảm bảo Luật Giáo dục vừa là Luật khung, làm nền tảng cho các Luật chuyên ngành như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp... vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật Giáo dục.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục cho rằng, dự thảo đã bổ sung quy định về tính chất mở, liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân; về khung trình độ quốc gia để quản lý theo chuẩn đầu ra và làm cơ sở liên thông; điều chỉnh mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục theo hướng chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng cá nhân của người học.
Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, Dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa làm rõ phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở và cơ chế, quy trình, cách thức tổ chức quản lý trong liên thông. Chính sách phân luồng là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện nay nhưng chưa được giải quyết trong Dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã làm rõ các nội dung ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bao gồm: Phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở các vùng khó khăn và khuyến khích phát triển giáo dục chất lượng cao; các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục (Điều 101); quy định lại vấn đề học phí theo cơ chế giá (Điều 105); quy định lại quyền sở hữu tài sản của trường ngoài công lập, cách thức góp vốn đối với trường tư thục (Điều 67).
Ủy ban nhận thấy, ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng song các nội dung quy định về đầu tư, tài chính, tài sản trong giáo dục vẫn chưa góp phần tháo gỡ những bất cập cơ bản hiện nay (đặc biệt chưa rõ trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực này).

Từ đó, Ủy ban đề nghị ban soạn thảo cụ thể hóa quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”; tiếp tục xác định rõ và phân loại các nguồn đầu tư cho giáo dục, từ đó có các chính sách tài chính phù hợp với từng cấp học hoặc trình độ đào tạo và từng loại đầu tư.
Về dự thảo Luật Giáo dục đại học, nhiều ý kiến tán thành với quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 65).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện, trong đó làm rõ phần Nhà nước hỗ trợ và phần phải thu phí thêm.

Đi đôi với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.
Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các đại biểu Quốc hội đánh giá, thời gian qua, quy trình lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị đề xuất vào chương trình, soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đến xem xét, thông qua. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật đã có chuyển biến tích cực.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế, trong đó phương thức, đối tượng lấy ý kiến còn nhiều bất cập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục