Làm gì để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp?

16:43' - 24/08/2017
BNEWS Hiện tại, chưa đong đếm được chi phí của doanh nghiệp, bởi có nhiều chi phí không chính thức. Nếu như đưa những chi phí này vào sản xuất sẽ ra được lợi nhuận, cao hơn cho nền kinh tế.
Cắt giảm chi phí doanh nghiệp: thực trạng và giải pháp. Tác giả: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Chiều 24/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp: thực trạng và giải pháp” nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện Báo cáo thực trạng - đề xuất các giải pháp nhằm giải chi phí cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đang mất quá nhiều các loại chi phí khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoat động kém hiệu quả. Do đó, chúng ta cần nỗ lực hết sức để làm như thế nào để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Hiện tại, chúng tôi chưa đong đếm được chi phí của doanh nghiệp, bởi có nhiều chi phí không chính thức và không đáng có. Nếu như doanh nghiệp đưa những chi phí này đem vào sản xuất hay đầu tư vào tài sản vô hình, thì tôi cho rằng tạo sẽ ra được lợi nhuận, lợi suất cao hơn rất nhiều cho nền kinh tế”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Đánh giá thực trạng của doanh nghiệp, ông Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM nhấn mạnh đến các vấn đề bao trùm, hệ thống gây chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp như: chi phí chính thức của các doanh nghiệp còn nhiều điểm bất hợp lý.

Và chi phí không chính thức rất lớn có thể phát sinh ở nhiều công đoạn kinh doanh và trong tất cả các quá trình thực thi quy định pháp luật.
Ông Vinh cũng nhấn mạnh đến việc trong khi các chi phí bất hợp lý chưa được đề cập đầy đủ trong các giải pháp cải cách hiện hành. Nhiều quy định gây chi phí bất hợp lý nhưng chưa được sửa đổi.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi pháp luật kinh doanh và các giải pháp cải cách hiện hành có hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng phát sinh chi phí về phía doanh nghiệp và gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Không những thế, chất lượng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh nói riêng chưa đổi mới; chưa thay đổi mạnh mẽ tư duy theo hướng xây dựng thể chế, pháp luật tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có sự thiếu nhất quán trong thực hiện chức năng quản lý giữa các cấp chính quyền; thiếu trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và các cơ quan quản lý liên quan; bộ máy thực thi pháp luật kinh doanh còn cồng kềnh, chưa sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, chất lượng đội ngũ công chức thấp…
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, doanh nghiệp hiện nay đang mất rất nhiều khi chi phí cho những việc như: vay vốn, tiền thuê đất tăng, bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn, chi phí vận tải, logictics, nhiều dịch vụ công mà doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua … Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần sự cạnh tranh so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Đề xuất các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Đặng Quang Vinh cho biết, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; đồng thời, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh nhằm đảm bảo các yếu tố như: tính đồng bộ, tính nhất quán, tính minh bạch, tính ổn định, tính cần thiết, tính hợp lý và tính hiệu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra các đề xuất giải pháp như: cần rà soát từ thực tiễn, so sánh mức chi phí của doanh nghiệp với các nước trong khu vực; đồng thời, cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; cần kết hợp giữa cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội.

Bởi, hiện nay, doanh nghiệp đang mất nhiều thời gian vì những báo cáo cho 2 cơ quan này. Về lâu dài, Chính phủ cần thành lập cơ quan kiểm toán đối với những doanh nghiệp này.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần thiết lập cơ chế, bộ máy độc lập về kiểm soát chất lượng thể chế kinh doanh và giám sát trách nhiệm thi hành pháp luật của các bộ, ngành và địa phương; đồng thời, tạo kênh tiếp nhận và xử lý hiệu quả thông tin phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình thực thi tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, cần đổi mới thực chất bộ máy hành chính thực thi pháp luật kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục cải cách cơ chế điều phối, phối hợp liên cấp, liên ngành…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục