Lạm phát tháng 2 tại Eurozone rơi vào vùng âm

15:38' - 07/03/2016
BNEWS Bất chấp một loạt biện pháp mà ECB thực hiện nhằm đẩy lùi nguy cơ giảm phát, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/2016 tại Eurozone đã rơi xuống âm 0,2% lần đầu tiên trong 5 tháng qua.
Lạm phát tháng 2 tại Eurozone rơi vào vùng âm. Ảnh: Reuters

Nhà kinh tế Ben May, thuộc Oxford Economics, nhận định lạm phát ở mức thấp và rơi xuống vùng âm trong tháng Hai là do giá năng lượng giảm.

Tình trạng lao dốc của giá dầu trong hai năm qua đã "đè nặng" lên giá năng lượng và một số mặt hàng trong giỏ hàng hóa được sử dụng để tính giá tiêu dùng.

Với triển vọng giá dầu chưa thể sớm phục hồi mạnh, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann cho rằng tỷ lệ lạm phát tại Eurozone sẽ tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, sự tăng giá của đồng euro khiến giá hàng hóa nhập khẩu giảm nên cũng đẩy tỷ lệ lạm phát đi xuống.

Sau khi giảm mạnh trong tháng 3/2015 sau thông báo về chương trình nới lỏng định lượng (mua tài sản quy mô lớn) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng euro đã lên giá so với đồng USD và hiện ở mức 1,10 USD/euro.

Một yếu tố khác tác động đến lạm phát là lương. Nhà kinh tế Johannes Gareis, thuộc Natixis, nói nhiều quốc gia chịu tác động của khủng hoảng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đều phải cải cách thị trường lao động và giảm lương. Điều này đồng nghĩa với việc chi tiêu của các hộ gia đình sẽ bị thu hẹp, qua đó làm giảm lạm phát.

Ngoài ra, đầu tư của doanh nghiệp sụt giảm cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát. Khi các doanh nghiệp tăng đầu tư, họ sẽ tuyển thêm lao động, tăng chi cho lương bổng và giúp thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh trong tương lai, do đó họ tỏ ra thờ ơ với việc mở rộng quy mô đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục