Làm sao để xoá bỏ tâm lý sợ cạnh tranh trong tư duy quản lý?

08:54' - 19/10/2017
BNEWS Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, chính sách cạnh tranh phù hợp sẽ nâng cao mức độ phát triển thị trường.
Lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi), một trong những văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Ảnh minh họa: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Theo công bố về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2017, Việt Nam đã được tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh và hiện nay đứng thứ 55 trong 137 nước trên thế giới. Nhìn vào thứ hạng này có thể thấy Việt Nam đang có năng lực cạnh tranh khá tốt, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa phải là mức có thể thỏa mãn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để một nền kinh tế mang tính cạnh tranh, trước tiên phải có một khuôn khổ pháp luật cạnh tranh phù hợp; trong đó, Luật Cạnh tranh cần có chất lượng tốt, cơ quan cạnh tranh độc lập hoạt động hiệu quả… nhằm ngăn ngừa các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng khẳng định, chính sách cạnh tranh phù hợp sẽ nâng cao mức độ phát triển thị trường, góp phần nâng cao năng suất và vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Chúng ta phải có cái nhìn cởi mở về cạnh tranh. Cạnh tranh chính là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển. Theo tâm lý chung, ai cũng muốn ngành nghề kinh doanh hay lĩnh vực hoạt động của mình độc quyền nhưng chính với lối suy nghĩ như vậy đã kìm hãm một sự phát triển chung”.
Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ năm 2005. Luật Cạnh tranh 2005 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Luật này là hành lang pháp lý quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tính đến năm 2016, Hội đồng cạnh tranh đã tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, điều tra tiền tố tụng 87 vụ; trong đó, Hội đồng Cạnh tranh đã tiến hành xử lý 6 vụ trên tổng số 70 doanh nghiệp với mức tiền phạt sau xử lý lên đến 5,5 tỷ đồng.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Luật Cạnh tranh hiện tại chưa phát huy tác dụng trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như tạo nên một môi trường cạnh tranh, “sân chơi” lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, tâm lý sợ cạnh tranh đang có trong tư duy quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, như về cải cách, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, muốn vậy phải xóa bỏ phân biệt đối xử, những đặc lợi đặc quyền, đồng thời mở ra khuôn khổ để họ tự chủ trong kinh doanh. Hay thị trường đất đai hiện phân chia chủ yếu theo cơ chế xin – cho.
Cùng với đó, rất nhiều nghị quyết, chính sách đưa ra yêu cầu bộ, ngành phải cải cách thể chế, phân bổ nguồn lực theo thị trường. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều rào cản ngăn cản sự phát triển và cản trở tự do kinh doanh.
“Các loại thị trường thiếu cạnh tranh nên chưa đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực. Không có cạnh tranh, nguồn lực không chạy đến những doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nhất khiến nền kinh tế kém phát triển, kém năng lực cạnh tranh”, ông Cung nhận xét.
Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, cạnh tranh ở Việt Nam không hiện thực hóa được là do vẫn bao cấp về tư duy.
“Chúng ta thường thấy các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho mục tiêu của chính sách, mục đích của một quy định, đạo luật vẫn là nhằm “đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước” hay để “tăng cường quản lý nhà nước”. Quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, mục tiêu của pháp luật và chính sách là những gì người dân và doanh nghiệp được hưởng như được sống trong môi trường trong lành, giảm nguy cơ mất an toàn, hay tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ sản xuất trong nước…
Trước vai trò quan trọng của cạnh tranh đối với nền kinh tế thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng là vô cùng cần thiết. Điều đó không chỉ tạo niềm tin, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, nhằm thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp hoạt động, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương đang soạn thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2017 và hy vọng được bấm nút thông qua vào tháng 5/2018.

Theo đó, Luật Cạnh tranh sửa đổi nhiều điểm mới, kỳ vọng sẽ mang lại những tác dụng tích cực cho nền kinh tế thị trường nếu được thông qua.
Ông Phan Đức Hiếu, Viện Phó CIEM cho rằng, Luật Cạnh tranh mới cần có cách tiếp cận mới, nhìn vào bản chất và tác động đến thực tế, đến cạnh tranh của các hành vi của doanh nghiệp.

Điều này đòi hỏi năng lực và vị trí phù hợp của cơ quan cạnh tranh để thực hiện điều tra và ra quyết định đúng đắn.

Do đó, cơ quan cạnh tranh quốc gia phải là một cơ quan độc lập trong mọi trường hợp, tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác.
Bên cạnh hoàn thiện Luật Cạnh tranh sửa đổi, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần thúc đẩy cạnh tranh bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Để đạt được mục tiêu đó, có rất nhiều cách thức như: điều chỉnh thuế phí, tăng sự giám sát của xã hội, tuyên truyền giáo dục, đào tạo và các giải pháp quản lý từ phía nhà nước (như cấp phép, thanh tra, kiểm tra…).

Đầu bài giải quyết các vấn đề của xã hội, của đất nước mà đặt ra các giải pháp quản lý không rõ ràng về mục tiêu thì nguy cơ tạo ra thiệt hại, gây ra hệ lụy lớn cho xã hội rất cao.
Hơn nữa, chính sự quản lý của nhà nước đang tạo ra sự đắt đỏ, kém cạnh tranh. Cơ quan quản lý dễ dàng đặt ra quy định nhưng không nghĩ tới chi phí của doanh nghiệp cho nên những người tuân thủ đúng lại mất lợi thế cạnh tranh.
Để một nền kinh tế mang tính cạnh tranh, theo ông Đậu Anh Tuấn, trước tiên phải có một khuôn khổ pháp luật cạnh tranh phù hợp; trong đó, Luật Cạnh tranh chất lượng tốt, cơ quan cạnh tranh hoạt động hiệu quả để ngăn ngừa các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn được độc quyền.
“Ngoài ra cũng cần rà soát những điều kiện kinh doanh, các quy định pháp luật bất hợp lý để tạo điều kiện thúc đẩy cạnh tranh chứ không hạn chế cạnh tranh”, ông Tuấn nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục