Lần đầu tiên CPI tháng 8 giảm so với tháng trước

16:45' - 24/08/2015
BNEWS Trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 8 giảm so với tháng trước. CPI tháng 8 năm 2015 so với tháng 12 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm nay giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,61% so với tháng 12 năm trước. Như vậy CPI bình quân 8 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%.
Bà Đỗ Bích Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, so sánh trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 8 giảm so với tháng trước. CPI tháng 8 năm 2015 so với tháng 12 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.
Theo bà Đỗ Bích Ngọc, CPI tháng 8 giảm chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 20/7 và ngày 4/8/2015; trong đó, giá xăng giảm 1.080 đồng/lít (giảm 3,26%), giá dầu diezel giảm 1.930đồng/lít (giảm 8,98%), giá dầu hỏa giảm 1.760đồng/lít (giảm 8,83%). Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 2,12%, đóng góp 0,19% vào mức giảm chung của CPI.


Khách chọn mua hàng hoá tại siêu thị Big C Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Bên cạnh đó, từ ngày 1/8/2015 giá gas điều chỉnh giảm 8.000-10.000đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas liên tục giảm với tổng mức gần 30.000đồng/bình làm cho chỉ số giá gas giảm 2,5% so với tháng trước.

Tháng 8, thời tiết một số địa phương đã dịu, bớt nắng nóng hơn nên lượng điện tiêu dùng thấp hơn so với tháng trước đưa chỉ số giá nhóm điện giảm 0,32%; giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,01% do mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 4 nhóm hàng giảm. Cụ thể, nhóm giao thông có mức giảm cao nhất 2,12%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,45%; bưu chính viễn thông giảm 0,02% và hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Có 7 nhóm hàng hóa tăng; trong đó, nhóm giáo dục, có mức tăng cao nhất 0,87%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng thấp nhất 0,03%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,28%...
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố làm cho giá giảm trên cũng có những mặt hàng tăng giá trong tháng 8 năm 2015 như: học phí các cấp học từ mầm non đến đại học trừ cấp phổ thông cơ sở tăng làm cho nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,91% (có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng); nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,58%.

Các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép có mức tăng nhẹ do nhu cầu mua sắm tăng hơn tháng trước; giá một số hàng thực phẩm tăng nhẹ, đặc biệt là những mặt hàng như trứng gia cầm, rau xanh và quả tươi.
Cũng trong tháng 8, giá vàng và đô la Mỹ cũng có biến động do tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá giữa VND/USD. Giá vàng trong nước ngày 15/8 dao động quanh mức 3,365 triệu đồng - 3,427 triệu đồng/chỉ vàng SJC. Tỷ giá bình quân tháng dao động quanh mức 21.240- 22.106 đồng/USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8 năm 2015 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,98% so với cùng kỳ.

Bình quân 8 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,19%, cao hơn mức 0,83% của lạm phát chung. Mức lạm phát cơ bản xoay quanh 2% như hiện nay là mức cân bằng bền vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Dự báo về CPI tháng 9, bà Đỗ Bích Ngọc cho biết, sẽ tăng nhẹ do nhu cầu một số mặt hàng thực phẩm phục vụ cho Rằm tháng 7, Rằm Trung thu và Quốc khánh 2/9 tăng. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh học phí năm 2015-2016 khối đại học, cao đẳng, mầm non. Ngoài ra, một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu có thể tăng hơn so với tháng trước do điều chỉnh tỷ giá USD/VND, nên cũng góp phần làm tăng CPI tháng 9./.
Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục