Làng lụa Vạn Phúc: Tre đã già mà măng chưa mọc

11:03' - 22/10/2015
BNEWS Sản phẩm lụa tơ tằm làng Vạn Phúc đang có nguy cơ bị thất truyền, vì “tre đã già mà măng chưa mọc”. Hiện nay, số lượng người tham gia sản xuất lụa chủ yếu ở độ tuổi từ 45 – 65 tuổi.

Làng Vạn Phúc được biết đến là nơi có nghề dệt lụa tơ tằm 1000 năm tuổi duy nhất ở Việt Nam còn hoạt động đến ngày nay. Chính lụa đã tạo dựng tên tuổi cũng như cuộc sống sung  túc cho người dân nơi đây. Song, thực tế làng Vạn Phúc đang phải tìm kiếm thế hệ kế thừa sản nghiệp cũng như tay nghề bao đời của ông cha để lại. 

Sau khi bước qua cổng làng, chúng tôi tìm đến ngay xưởng dệt Triệu Văn Mão, một trong những xưởng dệt uy tín và nổi tiếng nhất làng Vạn Phúc. Bước vào cửa hàng Mão Silk đã thấy một người phụ nữ  trung niên đang tươi cười, niềm nở gói túi đồ đưa cho một vị khách.

Hỏi ra đó chính là “bà chủ” Nguyễn Thị Tâm, chủ cơ sở lụa tơ tằm Mão Silk ( phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đồng thời cũng là chủ xưởng dệt Triệu Văn Mão. Bà chính là người mới được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015".  

Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ xưởng Triệu Văn Mão và cơ sở lụa tơ tằm Mão Silk (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Ảnh: Quốc Huy/BNEWS

“Nhiều năm nay, mặt hàng tơ lụa đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Những doanh nghiệp còn tồn tại tới thời điểm hiện tại thì đó là sự nhiệt huyết và lòng đam mê rất mãnh liệt giành cho nghề này”  bà Tâm chia sẻ. 

Theo lời bà Tâm thì Lụa Vạn Phúc đang có nguy cơ bị thất truyền vì “tre đã già mà măng chưa mọc”. Hiện nay, số lượng người tham gia sản xuất lụa chủ yếu ở độ tuổi như bà, đó là từ 45 – 65 tuổi. 

“Tôi có hai người con thì cũng chả có đứa nào muốn nối nghiệp mẹ nó cả, các cháu ra ngoài thành phố học đại học rồi theo ngành đã chọn và chúng nó nghĩ rằng ra thành phố “dễ kiếm tiền” hơn nhiều so với việc ngồi bệt ở cái xó làng này nhận 5 triệu đồng/tháng. Ở làng bây giờ chỉ còn rất ít cháu yêu thích, muốn gắn bó với khung cửi, máy dệt, ” bà Tâm bộc bạch. 

Sản phẩm lụa tơ tằm làng Vạn Phúc đang có nguy cơ bị thất truyền vì “tre đã già mà măng chưa mọc”. Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS

Chị Linh, một công nhân tại xưởng dệt của bà Tâm cho hay:  “Lương của mình tuy chỉ có 5 triệu một tháng,  nhưng so với những người bạn cùng chăng lứa chọn con đường ra ngoài trung tâm thành phố với mức lương 6 triệu/tháng mà vừa chịu tiền thuê nhà trọ, vừa ăn uống đắt đỏ. Thì ở nhà mình, quê mình làm còn “sướng” hơn họ nhiều. Với cả, mình cũng thích làm nghề này nữa.  

Càng khó khăn hơn khi nguồn cung tơ tằm hiện nay đang rất thiếu thốn do phải cạnh tranh với những thương lái Trung Quốc cũng sang nước ta thu mua tơ tằm. Hiện nay bà Tâm phải  tìm những cơ sở trồng tằm khác ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Vĩnh Phúc, Sơn La để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất. 

Còn bà Hương, chủ Công ty TNHH thương mại và sản xuất Đông Hương chia sẻ những khó khăn đang cản trở sự phát triển của thương hiệu làng lụa Vạn Phúc.

Bà Hương, chủ Công ty TNHH thương mại và sản xuất Đông Hương chia sẻ.

Ảnh: Quốc Huy/BNEWS

Bà Hương cho rằng, để  đáp ứng yêu cầu tốt hơn của thị trường, bà con trong làng đã thành lập công ty để hoạt động được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc này cũng còn những bất cập.

Các doanh nghiệp như bà khi thu mua nguyên liệu của người dân thường không có chứng từ hay hóa đơn để được khấu trừ và hoàn thuế. Chính vì vậy, bà mong muốn nhà nước sẽ có chính sách riêng cho các doanh nghiệp làng nghề như bà cho bớt thiệt thòi. 

“Đồng thời, người dân rất cần những chính sách hỗ trợ số lượng vốn lớn với lãi suất thấp cho những người muốn lập nghiệp. Hồi trước Hội Nông Nghiệp cũng có cho vay nhưng chỉ có 10 triệu, thế thì làm ăn gì đươc”, bà Hương chia sẻ. 

“Thêm vào đó, lụa Hà Đông đang còn phải cạnh tranh với hàng lụa của Trung Quốc. Cùng một sản phẩm nhưng mà giá của họ lại rẻ hơn rất nhiều".

"Đơn cử như một chiếc chăn bông dệt thủ công, công ty tôi làm có giá 4 triệu đồng thì hàng “xịn” của họ phải có giá vài chục triệu. Nhưng những chiếc chăn “made in china” hiện đang trôi nổi trong làng này với giá vài trăm ngàn đồng thì không thể là hàng xịn được,” bà Hương quả quyết. 

Lụa Hà Đông đang phải “cạnh tranh” với hàng lụa của Trung Quốc tràn lan trên thị trường. Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS

Ông Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Hà Nội  cũng chia sẻ về những khó khăn của các làng nghề nói chung. Ông cho biết, khó khăn về đào tạo nghề cũng là vấn đề nổi cộm ở các làng nghề hiện nay.

Để phát triển làng nghề thì điều quan trọng cần có lực lượng lao động kế thừa được những truyền thống trong việc tạo ra sản phẩm. Thế nhưng giờ tại các làng nghề, con cháu các nghệ nhân cũng chẳng mấy người theo nghề cha ông nữa.

Hiệp hội cũng chú ý về vấn đề này và có mở nhiều lớp đào tạo nghề tại các làng nghề hiện nay nhưng việc này cần được đẩy mạnh hơn nữa vì liên quan đến kinh phí. 

Ông Ba cũng cho biết rất muốn đưa các nghệ nhân của các làng nghề thủ công của Việt Nam sang nước ngoài tham gia những hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm, và quan trọng là học hỏi những công nghệ tiên tiến của nước bạn. Nhưng lực bất tòng tâm vẫn bởi vì “không có” kinh phí. 

Những nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc nói riêng và các làng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung đều đang trăn trở làm sao để kế thừa, lưu giữ và phát huy nghề truyền thống do ông cha để lại.

Nhưng làm thế nào để phát triển hàng thủ công mỹ nghệ trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển đang cần có sự quan tâm của chính quyền các địa phương./.

Đinh Tuấn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục