Lập lại trật tự đô thị ở Hà Nội: Thoáng nhưng chưa sáng

16:53' - 27/03/2017
BNEWS Một số tuyến đường tại Hà Nội vẫn còn lổn nhổn đất đá gây mất mỹ quan đô thị.
Nhiều tuyến đường tại Hà Nội vẫn còn lổn nhổn đất đá gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sau hơn 2 tuần Hà Nội đồng loạt ra quân thiết lập trật tự đô thị, hè phố ở nhiều nơi đã thông thoáng hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trên một số tuyến đường tại Hà Nội vẫn còn lổn nhổn đất đá, gây mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, một số tuyến phố các bốt điện và nhà dân vẫn án ngữ vỉa hè, người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông.

Trước tiên, không thể phủ nhận những thay đổi tích cực nhờ "chiến dịch" giành lại vỉa hè của thành phố Hà Nội trong thời gian qua.

Trên những tuyến phố vốn là "điểm đen" về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè như phố Hàng Đào, Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), Xuân Thủy, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình)... tình trạng vi phạm đã giảm đi rõ rệt, lề thông, hè thoáng, chức năng của vỉa hè được trả lại nguyên vẹn là phần đường dành cho người đi bộ.

Để tạo nên sự thay đổi lớn và tích cực, không chỉ nhờ sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng mà còn nhờ sự đồng thuận của người dân.

Ngoài các trường hợp bị cưỡng chế, rất nhiều gia đình có bậc tam cấp "vươn" ra phía vỉa hè hay những cơ sở kinh doanh có biển quảng cáo kích cỡ lớn... đã chủ động phá dỡ, xóa bỏ phần diện tích lấn chiếm. Hành động này rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, sau khi dỡ bỏ, đào xới, một số chủ hộ không dọn dẹp đất đá mà chất đống trên vỉa hè, lổn nhổn dưới chân người đi bộ.

Như vậy, thay vì triệt tiêu vi phạm, các hộ dân lại thay thế hình thức vi phạm này bằng hình thức vi phạm khác, mà kết quả cuối cùng đều là gây mất mỹ quan đô thị.

Vấn đề về những bậc tam cấp không phải là câu chuyện duy nhất được quan tâm. Thời gian qua, người dân Thủ đô có nhiều ý trái chiều cho rằng một bậc tam cấp bé bằng cái ghế liên tục bị chính quyền nhắc nhở, thậm chí bị cưỡng chế phá bỏ, nhưng sao còn bao nhiêu bốt điện, công trình cơ quan công sở... lấn chiếm nhưng không bị xử lý.

Một số bốt điện lớn, chiếm nhiều diện tích, cản trở tầm nhìn vẫn được "yên vị" trên vỉa hè, cản trở người đi bộ đồng thời tạo cảm giác hoài nghi cho nhiều người dân.

Ông Cao Thành Trung, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai cho biết, người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của UBND thành phố, không ít hộ gia đình đã hiểu và tự phá dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Nhưng không hiểu tại sao, bốt điện vẫn được "đứng" trên vỉa hè, phải chăng cứ của cơ quan công sở là không bị xử lý. Người dân cần sự công bằng trong việc xử lý lập lại trật tự vỉa hè.

Bên cạnh đó, còn có những trường hợp khó xử lý hơn rất nhiều như trên một số tuyến phố Yên Lãng, Liễu Giai...

Lập lại trật tự vỉa hẹ được sự đồng lòng của người dân. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Một số người dân tại đây phản ánh, có những ngôi nhà trên các tuyến phố này vẫn nghiễm nhiên "nuốt" trọn vỉa hè nhưng chính quyền không thể xử lý vì đó đều là những ngôi nhà có sổ đỏ và mốc giới ra đến sát mép đường.

Từ đó, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi rằng cả tuyến phố đều làm nhà thụt vào trong và có vỉa hè cho người đi bộ, vậy tại sao chỉ một đến hai hộ gia đình lại làm nhà ra đến tận mép đường, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, gây nguy hiểm?

Những kết quả lập lại trật tự đô thị tại Hà Nội trong thời gian qua mới chỉ là kết quả bước đầu. Nhiệm vụ quan trọng hơn đối với cả thành phố là phải tiếp tục phát huy tinh thần quyết liệt của các lực lượng chức năng và tinh thần tự giác của người dân.

Muốn làm được như vậy, các chuyên gia nhận định rằng, thành phố cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ mà quan trọng nhất là đảm bảo quy hoạch. Có quy hoạch tốt, bố trí không gian hợp lý, người dân mới có nền tảng ổn định cuộc sống, không lấn chiếm, vi phạm.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Định, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng CDCC bày tỏ, lối tư duy của nhiều người Việt cũng cần được tác động để thay đổi.

Do sinh sống, làm ăn lâu năm trên một phần diện tích đất ở nhất định, các hộ dân nghiễm nhiên coi phần lòng đường, vỉa hè phía trước là đất của mình, tự do sử dụng, tự do lấn chiếm.

Khi phải phá dỡ, họ không chủ động dọn dẹp gạch đá mà chờ đợi công nhân môi trường đến chở đi, phần gạch đá này án ngữ gây mất mỹ quan, cản trở giao thông.

Trong khi đó, chính những người đi bộ lại không có ý thức đòi quyền lợi cho mình, khi gặp vật cản thường nghiễm nhiên chấp nhận đi xuống lòng đường, vô tình “tiếp tay” cho vi phạm.

Muốn giải quyết triệt để các vấn đề đô thị, phải thay đổi ngay từ trong nhận thức và lối tư duy của người dân.

Chắc chắn chiến dịch lập lại trật tự đô thị ở Hà Nội sẽ là một chiến dịch lâu dài, đường phố những ngày này đã thoáng nhưng chưa “sáng”. Cải tạo, gìn giữ để Hà Nội là một Thủ đô vừa thoáng, vừa “sáng” chính là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng không chỉ của các cấp lãnh đạo mà của mỗi công dân Thủ đô./. 

Xem thêm:

>>> Đa số người Hà Nội muốn hạn chế phương tiện cá nhân và giành lại vỉa hè

>>> Quận 1 đề nghị lập phố hàng rong miễn thuế ngay trung tâm cho người nghèo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục