Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp

16:05' - 16/03/2018
BNEWS Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo quốc gia về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Hội thảo quốc gia về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tại buổi hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các nhóm nội dung và vấn đề chính như: tiêu chí xác định ba loại rừng, trình tự thủ tục chuyển loại – mục đích sử dụng rừng, về tổ chức cơ quan chuyên môn lâm nghiệp ở địa phương…
Trong số những nội dung này, đáng chú ý là quy định về điều kiện, tiêu chí đóng – mở cửa rừng tự nhiên và ai là người có đủ thẩm quyền… Hay quy định về quản lý gỗ theo chuỗi trong quá trình sản xuất, chế biến và thương mại.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, việc quản lý chuỗi này làm sao tạo cơ chế cho liên kết, đặc biệt là đảm bảo quá trình ấy là đảm bảo đúng quy định của pháp luật là truy suất gỗ hợp pháp. Nguồn gốc gỗ hợp pháp cùng với việc đạt các yêu cầu về môi trường về lao động, nghĩa vụ với ngân sách mới là việc đảm bảo đầy đủ nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Đây là điểm mới khi Việt Nam đang hợp tác, ký kết nhiều hiệp định đối tác quan trọng. Các đối tác cũng đang cùng Việt Nam để hài hóa, hoàn thiện những quy định về quản lý nguồn gốc gỗ lâm sản trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, một điểm không mới nhưng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và sản xuất đó là tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành lâm nghiệp ở địa phương như thế nào. Đó là những quy định, chức năng, nhiệm vụ người ở cấp huyện, chi cục, sở, kiểm lâm, hạt kiểm lâm... Đây là những việc cần đánh giá từ thực tiễn.
Tại hội thảo các đại biểu cũng thảo luận về việc làm thế nào để thống nhất diện tích đất và diện tích rừng. Việc giao rừng và cho thuê rừng thường gắn với việc giao đất và cho thuê đất rừng. Tuy nhiên, trong khi diện tích đất không biến động thì diện tích rừng sẽ có sự biến động tùy vào việc chăm sóc và thu hoạch của cá nhân và tổ chức được giao đất, giao rừng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, cần có sự thống nhất về việc giao đất, giao rừng, đặc biệt là rừng trồng; nên nghiên cứu viết phụ lục hoặc có cách thức để đồng bộ được diện tích đất và rừng được giao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


"“Đồng bộ” không có nghĩa là năm nào cũng giống năm nào, không thể dùng biện pháp hành chính để kiểm tra rừng đã được giao”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn bày tỏ.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp và kiến nghị của các địa phương tại hội nghị.

Theo đó, một số quan điểm đã được ghi nhận về tiêu chí phân loại rừng, từ đó sẽ định hướng bảo tồn, phát triển hoặc khai thác như thế nào cho hợp lý. Việc phòng cháy, chữa cháy rừng cũng sẽ được triển khai theo hướng “phòng là chính” nên nguồn lực về phòng cháy có thể được tập trung hơn nữa. Về thương mại gỗ, lâm sản thì nhà nước không quản lý thương mại mà đó là việc của thị trường và doanh nghiệp…
Luật Lâm nghiệp được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017. Luật sẽ có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2019. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp gồm 10 chương, 116 điều và phần phụ lục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục