Le Monde: Dấu hiệu cáo chung của chính sách cho vay lãi suất thấp

13:09' - 11/02/2018
BNEWS Theo Le Monde, “các rung chấn” vừa qua là một dấu hiệu rõ ràng mới cho thấy chính sách cho vay với lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương đang bước vào giai đoạn cáo chung.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 5/2. THX/TTXVN

Nhật báo tiếng Pháp Le Monde (Pháp) đã nêu ra một số dấu hiệu có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách cho vay dễ dãi của ngân hàng trung ương các cường quốc khi thị trường chứng khoán Mỹ ngày 5/2 sụt giá mạnh và gần như mất hết những gì đã đạt được kể từ đầu năm. Biến động trên thị trường Mỹ lập tức gây ảnh hưởng đến các thị trường châu Á mở cửa sau đó và gây phản ứng dây chuyền cho các thị trường châu Âu.

Theo Le Monde, “các rung chấn” trên là một dấu hiệu rõ ràng mới cho thấy chính sách cho vay với lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương đang bước vào giai đoạn cáo chung. Tuy nhiên, một số chuyên gia như ông Paul Jackson tại công ty Invesco PowersShares lại tỏ ra lạc quan với lý do các nền kinh tế châu Âu và Mỹ hiện nay đều “khỏe mạnh”, và đây đơn giản chỉ là một triệu chứng “tiêu hóa kém”, sau gần hai năm liên tục tăng trưởng.

Le Monde đã điểm lại chính sách nhà nước Mỹ: Năm 1987, can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính, với việc bơm tiền ồ ạt để cứu thị trường Phố Wall, mất giá hơn 20% trong vòng hai tháng.

Nhờ can thiệp của chính quyền, thị trường đã phục hồi, nhưng chính sách can thiệp được tiến hành liên tục từ đó đến nay cũng đi kèm với việc lãi suất cho vay liên tục sụt giảm trong ba thập niên qua, từ 10% vào cuối những năm 1980 đến chỉ còn 1,3% hồi giữa năm 2016. Lãi suất thấp có hệ quả là khuyến khích vay mượn tràn lan, đầu mối dẫn đến các bong bóng địa ốc và là mầm mống của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế năm 2008.

Việc vay nợ tràn lan cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các thế hệ, với tình trạng nhà ở đang ngày càng trở nên đắt đỏ, giới trẻ càng ít người có cơ hội sở hữu được nhà, so với các thế hệ trước. Theo một điều tra của S&P được công bố ngày 5/2 về 13.000 doanh nghiệp trên thế giới, có đến 37% là “nợ nần đầm đìa”, với tổng nợ gấp hơn 5 lần so với kết quả kinh doanh.

Gần đây, các ngân hàng trung ương bắt đầu lo ngại hậu quả nghiêm trọng của tình trạng vay nợ tràn lan. Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) dần dần điều chỉnh theo hướng lãi suất tăng lên, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng ngưng dần can thiệp vào thị trường.

>>> Nguyên nhân chính "nhuộm đỏ" các thị trường chứng khoán châu Á

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục